Tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

11:03, 10/03/2022
(LĐ online) - Sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022. 
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Đào Thành Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo và thanh tra các Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo chưa đúng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh… tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. Hội nghị nhằm triển khai các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật. 
 
Theo đánh giá thực trạng công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2020 – 2021, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay: Quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…
 
Kết quả xử lý, qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng qua mail của Cục An toàn thực phẩm phản ánh về các sản phẩm vi phạm quy định về quảng cáo với 197 trường hợp. Năm 2020 - 2021, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.
 
Thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin. Năm 2020 - 2021, website Cục (vfa.gov.vn) đã đăng 246 bài cảnh báo.  Chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể 375 đường link; trong đó, có 67 đường link facebook… 
 
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định cụ thể, có tính răn đe cao. Ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao. Các báo lớn, đài Trung ương nhìn chung đã tuân thủ tốt quy định về quảng cáo thực phẩm; thực hiện chỉ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền. Có sự phối hợp giữa các cơ quan y tế và cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 
 
Hiện nay, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. 
 
Một số cơ quan phát hành quảng cáo như báo, đài địa phương chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 
 
Giải pháp đối với các cơ quan quản lý: Các bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung, đặc biệt quản lý hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng. Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của bộ ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tiên đại chúng theo quy định của pháp luật.
 
Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ chỉnh sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, quy định chặt chẽ hơn điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm.  
 
Bộ Công thương tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.
 
 Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với facebook, google, youtube, yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo. Xử lý theo thẩm quyền các cơ quan phát hành quảng cáo cố tình quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. 
 
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
 
 Bộ Công an, Cục An ninh mạng kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương đối với các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. 
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chặt chẽ hơn về việc cấp, đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.
 
 UBND các cấp chỉ đạo các báo, đài truyền hình và phát thanh địa phương, các cơ quan phát hành quảng cáo trên địa bàn chỉ được tiến hành quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi đã được thẩm định nội dung và được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. 
 
Đối với các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo cần chỉ đạo các đơn vị phát hành quảng cáo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quảng cáo. Các đơn vị phát hành quảng cáo cần chủ động, có trách nhiệm kiểm tra mẫu quảng cáo có phù hợp với nội dung đã được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận hay không. Kiên quyết không nhận những mẫu quảng cáo chưa có dấu xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước đã thẩm định nội dung. Việc kiểm tra, đối chiếu mẫu quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được thực hiện thông qua mục “tra cứu” tại trang http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/, https://nghidinh15.vfa.gov.vn/, https://congkhaiyte.moh.gov.vn
 
Các đơn vị chủ quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý theo đúng quy định của pháp luật. 
 
AN NHIÊN