Tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19

07:03, 03/03/2022
(LĐ online) - Ngày 3/3, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
 
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại TP Đà Lạt
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại TP Đà Lạt
 
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, giảm số lượng người nhiễm và giảm tỷ lệ tử vong, Sở Y tế tỉnh đề nghị các đơn vị khẩn trương đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I/2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tuần đầu tháng 3/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin. 
 
Tổ chức tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”. Đặc biệt, quan tâm đến người cao tuổi, người có bệnh nền, người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế... Xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, đúng quy định. 
 
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố căn cứ số liệu chưa tiêm vắc xin trên địa bàn (theo số liệu thống kê hàng ngày của Sở Y tế) phối hợp với bộ phận tin học của huyện, thành phố trích xuất toàn bộ danh sách các trường hợp chưa tiêm mũi 2, liều bổ sung, liều nhắc lại đã đến thời gian tiêm và phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để tiến hành rà soát từng trường hợp, tiến hành tổ chức tiêm ngay để đảm bảo 100% các trường hợp này đã được tiêm vắc xin theo quy định. Các trường hợp không đồng ý tiêm yêu cầu ký bản cam kết chịu trách nhiệm khi mắc bệnh Covid-19. Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp không thể tiêm vắc xin Covid-19 do yếu tố sức khỏe hoặc chống chỉ định theo quy định. 
 
 Tập trung huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19; đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng Covid-19 và cập nhật thường xuyên số liệu về đối tượng tiêm chủng, số liều vắc xin sử dụng. Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, không chờ đợi, lựa chọn vắc xin, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vắc xin đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng kịp thời. Vắc xin được phân bổ không có nhu cầu sử dụng cần báo cáo ngay về Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh để điều phối, tránh xảy ra tình trạng thừa vắc xin hoặc quá hạn, không kịp sử dụng phải huỷ bỏ. 
 
Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng; thực hiện điều trị, chăm sóc, cách ly các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại nhà và tại các khu điều trị Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác điều trị, phát hiện sớm các trường hợp người bệnh chuyển nặng, giảm tải cho tuyến trên, các đơn vị cần theo dõi sát tình trạng của người bệnh, kịp thời sử dụng các thuốc kháng vi rút theo chỉ định; đồng thời, tổ chức xét nghiệm nhanh, phát hiện kịp thời các trường hợp F0 để điều trị ngay, không để có biến chứng nặng. Rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hoá chất xét nghiệm, ô xy y tế... để chủ động, đáp ứng các cấp độ dịch. 
 
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu cho UBND các huyện, thành phố kích hoạt ngay các trạm y tế lưu động và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để phối hợp với y tế địa phương chăm sóc cho các trường hợp nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà. Tiếp tục tổ chức cách ly y tế tại nhà các đối tượng F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà khi đủ điều kiện theo đúng quy định (chú ý đảm bảo thuốc điều trị cho người bệnh, tuyệt đối không để thiếu thuốc, đảm bảo công bằng, khách quan trong cung cấp thuốc chữa bệnh); tổ chức phân tầng đúng, theo dõi F0 tại nhà để phát hiện và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp chuyển nặng để điều trị đúng, giảm tử vong. 
 
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân không được lơ là, chủ quan khi đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, mà phải tuân thủ theo nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân; mỗi người dân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tự xét nghiệm theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế, khi có trường hợp tự xét nghiệm dương tính hoặc có các biểu hiện nghi mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác báo cho y tế địa phương để kịp hỗ trợ, cách ly, điều trị theo quy định. 
 
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiêm tra về giá, chất lượng đối với các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm... Kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. 
 
AN NHIÊN