Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân. Nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập...”.
|
Quang cảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức trọng thể vào ngày 24/11/2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”. Mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Tổng Bí thư mong muốn, sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến văn hóa. Chỉ một tháng sau ngay sau thành công của Cách mạng Tháng 8, dù công việc bộn bề, thù trong giặc ngoài đang sẵn sàng tấn công ta nhưng ngày 7/10/1945, chính quyền Cách mạng đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa tại Hà Nội với hơn 200 đại biểu tham dự.
Tại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phát biểu rất ấn tượng: “... Văn hoá là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở. Giới văn hoá cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hoá đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên”.
|
Các đại biểu tham quan triểm lãm và trưng bày các hiện vật, di sản văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Ảnh: TTXVN |
Chỉ hơn 1 năm sau đó, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc được tổ chức (24/11/1946), cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng rất chú ý đến “kiến trúc thượng tầng” này, rất muốn xây dựng một nền văn hóa mới, về lâu dài để đất nước phát triển đúng hướng trên nền tảng văn hóa.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, rất tiếc toàn văn bài phát biểu khoảng 40 phút của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị này đến nay vẫn chưa tìm thấy. Ông Dương Trung Quốc dẫn bài tường thuật trên báo Cứu Quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh số ra ngày 25/11/1946, tức 1 ngày sau khi hội nghị diễn ra, tường thuật và bình luận hội nghị này.
Theo tường thuật của Báo Cứu Quốc, tại hội nghị, ông Đào Duy Anh đại diện Ban Vận động hội nghị xác định rằng hội nghị này nhằm “để cho thế giới biết rằng trong khi dân tộc Việt Nam hăng hái chiến đấu, các nhà văn hóa vẫn thiết tha với công cuộc kiến thiết văn hóa, kiến thiết quốc gia”.
Cũng theo Báo Cứu Quốc, trong bài phát biểu khoảng 40 phút của mình, Hồ Chủ tịch bày tỏ “thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương rồi đặt câu hỏi “Ta nên theo văn hóa nào?”. Hồ Chủ tịch tự trả lời: “Đông phương hay Tây phương có cái gì tốt thì ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng đinh rằng: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân. Nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi tin rằng văn hóa Việt nam sẽ có được một tương lai rực rỡ”.
Tinh thần phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị ở ý này: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân. Nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”.
Tư tưởng chống tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sâu sắc, lẫn thời sự, dù phát biểu của Bác cách đây hơn 75 năm. Là tư tưởng cơ sở để xây dựng văn hóa liêm chính, quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, xây dựng văn hóa liêm chính trong cơ quan Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là hai phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng: Đã là người cách mạng thì ai cũng phải liêm nhưng cán bộ, công chức - “những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 1231). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm trước hết là liêm khiết, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của Nhân dân. Liêm còn là trong sạch, không tham lam.
Nếu có văn hóa, mỗi cá nhân cán bộ hiểu biết về văn hóa liêm chính, sẽ là hàng rào tự bảo vệ chính mình, để không sụp đổ trước cám dỗ tiền tài, bổng lộc.
Đây là một vấn đề lớn, rất thời sự. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu lên thực trạng hiện nay: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm... còn xảy ra ở nhiều nơi. Doanh nghiệp gian lận thương mại, làm tổn hại tới cả sức khỏe và sinh mạng con người. Không ít đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống...”.
Những năm gần đây, người dân đã chứng kiến một số cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý nghiêm trọng. Tất cả họ đều có thừa tri thức nhưng thiếu văn hóa liêm chính, cái hàng rào cuối cùng để bảo vệ mình nhưng họ tự dỡ bỏ hay cố tình coi thường nó. Và họ phải trả giá.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là chấn hưng văn hóa, để văn hóa “soi đường đường cho quốc dân đi”.
“Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc…, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - phát biểu tại Đại hội Văn hóa toàn quốc 2021)
“Môi trường bị phá hủy chỉ mất vài chục năm để khắc phục, nhưng mất văn hóa là mất nhiều thế hệ mới khắc phục được, thậm chí là sụp đổ. Chúng ta nhất thiết phải đặt ra nhiệm vụ, tự thôi thúc mình phải kiên trì chấn hưng văn hóa một cách thiết thực. Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục. Phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải cầu thị và rất kiên trì.
(Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - phát biểu bế mạc Đại hội Văn hóa toàn quốc 2021)
|
XUÂN NHÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin