Thành phố Đà Lạt là địa phương được lựa chọn thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có các văn bản chỉ đạo thực hiện xây dựng thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt; phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, UBND thành phố Đà Lạt đang phối hợp cùng tổ chức GGGI để triển khai chương trình thí điểm Đô thị tăng trưởng xanh.
|
Quang cảnh khu vực Trại Mát sớm mai, thành phố Đà Lạt. |
Có thể nói rằng, xây dựng đô thị tăng trưởng xanh sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị, đòi hỏi có sự thống nhất vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như các bên liên quan trong toàn xã hội. Tăng trưởng xanh đã trở thành một chiến lược Quốc gia khi vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 23/9/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh cho thời kỳ 2013 - 2020 và tầm nhìn đến 2050. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã chỉ rõ “Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội… phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”. Đến năm 2014, Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 đã xác định các nội dung chủ yếu của các hoạt động, chỉ ra cụ thể các chủ đề nhóm hoạt động và nhiệm vụ chính, trong đó các hành động của lĩnh vực đô thị là một trong những hành động được ưu tiên cao, bao gồm các nhiệm vụ: Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành Xây dựng từ quan điểm phát triển bền vững và xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng giai đoạn 2014 - 2020; rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch cải tạo đô thị theo hướng tiêu chuẩn bền vững; đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng theo hướng bền vững ở một số đô thị chọn lọc; khuyến khích phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng xanh hóa; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng và sử dụng các tòa nhà.
Tại Lâm Đồng, thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ngày 1/6/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 1141/QĐ-UBND về việc “Ban hành những định hướng cơ bản xây dựng mô hình thí điểm Làng đô thị xanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt”; ngày 23/11/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2431/QĐ-UBND về việc phê duyệt thí điểm xây dựng Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt. Làng đô thị xanh này là phân khu đô thị thuộc quy hoạch chung thành phố Đà Lạt; hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp khu ở và công trình công cộng; phát huy loại hình du lịch canh nông, đảm bảo yêu cầu bảo vệ đa dạng sinh học, địa hình, cảnh quan tự nhiên và giảm phát thải khí nhà kính, có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Hiện nay, quy hoạch phân khu xây dựng Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt, đang thu hút nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, Sở Xây dựng trong suốt thời gian qua cũng đã lồng ghép các nội dung về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh vào các đồ án quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị; tham gia góp ý đối với các đề án xây dựng Đà Lạt thành đô thị thông minh, kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh,... Và để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức làm công tác chuyên môn các cấp của tỉnh; Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và Đô thị - Bộ Xây dựng tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu về “Định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu” cho đông đảo cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn do Trung ương tổ chức về vấn đề này.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, 100% các dự án lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn tỉnh hiện nay sử dụng đèn led tiết kiệm; 100% các dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách sử dụng gạch không nung; tỉnh cũng đã có hướng dẫn và không cho phép xây dựng các công trình sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ lạc hậu. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và thực hiện xóa bỏ các lò nung đốt thủ công. Hầu hết các công trình lớn, các tòa nhà cao tầng trên địa bàn đều có giải pháp lấy ánh sáng tự nhiên, chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm. Các đồ án quy hoạch đô thị, các quy định về quản lý kiến trúc, chỉ tiêu xây dựng công trình tại các địa phương đa phần đều đảm bảo tỷ lệ cây xanh, công viên, mặt nước hợp lý; không cho phép xây dựng các công trình che chắn ánh sáng, hướng gió đến các các khu dân cư.
Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh ban hành các quy định về trồng cây xanh đô thị, cây xanh dự án; quy định về chiếu sáng công trình công cộng đô thị, trong đó, bắt buộc phải sử dụng đèn led chiếu sáng tiết kiệm thay cho đèn cao áp trước đây; quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung tại các công trình sử dụng vốn ngân sách; quy định về việc lập quy hoạch, hình thức kiến trúc, chỉ tiêu xây dựng công trình trong đó chú trọng đến chỉ tiêu về mật độ xây dựng phù hợp, tạo khoảng không để thông gió, trồng cây xanh... Ngoài các quy định của Trung ương thì đây là các công cụ pháp lý hữu hiệu để quản lý việc xây dựng dự án, công trình thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Có thể nói rằng, vấn đề phát triển đô thị tăng trưởng xanh đang được tỉnh chú trọng. Quá trình thực hiện quy hoạch, cũng như thực hiện các kế hoạch phát triển, tất cả các địa phương đã cho thấy luôn quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng đô thị theo định hướng tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình đô thị tăng trưởng xanh hiện vẫn còn gặp những khó khăn riêng bởi đây vẫn là một khái niệm khá mới mẻ, cũng chưa có hình mẫu thành công cụ thể nổi bật nào mà chỉ mới đang thực hiện những bước đi chập chững hướng đến theo từng tiêu chí ở từng lĩnh vực. Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế về cảnh quan, môi trường, nhưng cũng đang gặp không ít những thách thức đan xen trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, hành trình này hiện không chỉ cần sự vào cuộc của ngành Xây dựng, chính quyền các cấp trong những vấn đề quy hoạch vĩ mô, mà còn cần sự quan tâm tham gia của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin