Ấm lòng Bếp bệnh viện 0 đồng

05:04, 20/04/2022
Suốt 3 năm qua, hơn 60 ngàn suất cơm được Nhóm Bếp bệnh viện 0 đồng trao đến tận tay cho nhiều bệnh nhân tại khắp các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Lạt. Những suất cơm chay tuy giản đơn nhưng chứa đầy tình thương và sự cảm thông của những tấm lòng thiện nguyện, giúp bệnh nhân vơi đi phần nào những khó khăn, thiếu thốn mà yên tâm chữa bệnh.
 
Các thành viên Nhóm Bếp bệnh viện 0 đồng chuẩn bị các phần bún cho bệnh nhân
Các thành viên Nhóm Bếp bệnh viện 0 đồng chuẩn bị các phần bún cho bệnh nhân
 
Ẩn sâu trong con hẻm nhỏ đường Phạm Hồng Thái, Phường 10 (TP Đà Lạt), quán Chay Đà Lạt vẫn ngày ngày âm thầm chuẩn bị những phần cơm tuy đạm bạc nhưng đầy ắp tình nghĩa cho nhiều bệnh nhân nghèo.
 
Ở góc quán, bà Thắm - thành viên lớn tuổi nhất nhóm - đang chăm chú nhặt từng cọng rau, anh Linh thì đang cẩn thận rửa từng nhánh nấm, còn anh Khôi - trưởng nhóm - thì đang mải mê nêm gia vị cho nồi nước bún, mỗi người một việc... hối hả chuẩn bị để kịp mang các suất ăn đến bệnh viện trước 10 giờ. 
 
Công việc này được các thành viên của Nhóm Bếp bệnh viện 0 đồng làm hơn 3 năm nay. Anh Nguyễn Xuân Khôi - Trưởng Nhóm Bếp bệnh viện 0 đồng chia sẻ: “Trước đó, mình là thành viên của nhóm CLB ăn chay Đà Lạt, mỗi tháng hai lần, tụi mình đều nấu chừng 500 phần cơm chay cho người nghèo trên địa bàn TP Đà Lạt”. Là người ăn chay trường và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, nên khi được một thành viên lớn tuổi của nhóm Thiện nguyện trẻ gợi ý về điều hành nhóm, anh Khôi đồng ý ngay. Đến 2020, anh Khôi chính thức đảm nhiệm vai trò Trưởng nhóm Thiện nguyện trẻ, sau đổi tên thành Bếp bệnh viện 0 đồng - nấu các phần cơm miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện trên địa bàn. 
 
Hiện, nhóm có 7 thành viên, mỗi người đều có một công việc khác nhau, có người là giáo viên về hưu như bà Vũ Thị Hồng Thắm (65 tuổi) đến từ Đăk Lăk, có người làm kinh doanh và cũng có người là khách quen của quán, vì thấy công việc có ích nên muốn tham gia giúp đỡ như chị Bạch Huỳnh Hải Linh (29 tuổi), đến từ TP. Hồ Chí Minh. Nhưng mỗi người trong họ đều có một điểm chung là muốn góp sức nhỏ để giúp người. Cứ vậy, mỗi sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần họ lại hội ngộ về căn nhà nhỏ trong hẻm đường Phạm Hồng Thái để chuẩn bị những suất ăn thiện nguyện suốt nhiều năm qua. 
 
Nói về cơ duyên đến với nhóm, bà Thắm chia sẻ “Tôi vốn là giáo viên cấp 2, ở Đăk Lăk, sau khi nghỉ hưu thì lên Đà Lạt sống cùng con gái; trong một lần đi ăn cơm chay ở quán, thấy việc làm của mọi người ý nghĩa, nên muốn góp một phần công sức vào”. Bà cho rằng, đây có lẽ là công việc ý nghĩa nhất của mình trong suốt thời gian qua, “nếu bếp nghỉ, không làm nữa thì sẽ rất buồn; công việc này không chỉ giúp được nhiều hoàn cảnh mà bản thân cũng có thêm niềm vui”. 
 
Anh Khôi cho biết, trước đây, nhóm trực tiếp nấu bếp tại bệnh viện, nhưng từ ngày xuất hiện dịch COVID-19, nhóm chuyển ra ngoài để đảm bảo công tác phòng dịch. Mỗi lần nhóm cung cấp khoảng 150 phần ăn cho bệnh nhân nghèo vào các ngày 2, 4, 6 tại Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Từ ngày chính thức hoạt động, nhóm đã cung cấp hơn 60 ngàn suất ăn miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân và người thân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm chữa bệnh.
 
Nhìn những tô bún riêu chay nóng hổi bốc khói với đầy đủ nấm, chả đậu, rau và gia vị, người ăn không khỏi không ấn tượng với sự tỉ mỉ, chu toàn mà nhóm tâm huyết chuẩn bị cho mỗi phần ăn. Thường thì “thành viên trong nhóm đi chợ vào lúc sáng sớm để mua được rau tươi và giá rẻ hơn, các thành viên còn lại sẽ chuẩn bị bếp, nấu cơm và sơ chế các nguyên liệu có sẵn” - anh Khôi kể. Dù phải chuẩn bị số lượng phần ăn rất lớn, nhưng nhóm tâm niệm phải “đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”. 
 
Thực tế, nhiều lần bệnh nhân e ngại khi nhận cơm chay vì sợ không đủ chất dinh dưỡng. Nhưng khi nghe anh Khôi và nhóm giải thích “món ăn chay có hương vị nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa; đậu phụ và nấm cung cấp đầy đủ các chất đạm thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng sức đề kháng” thì bệnh nhân mới yên tâm dùng bữa. Từ những nghi ngại ban đầu, với việc liên tục nỗ lực cải thiện khẩu vị, dinh dưỡng, những bữa cơm miễn phí của nhóm được nhiều bệnh nhân và người nhà yêu thích. “Mọi người ở phòng tôi đều thích ăn đồ ăn chay của nhóm vì sạch sẽ, nhẹ bụng và dễ tiêu” - anh Tuấn, một người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi cho hay. Hơn nữa, theo anh Khôi,những bệnh nhân nằm điều trị tại các bệnh viện đa phần đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thường điều trị lâu dài. Đối với họ một suất cơm bây giờ đều rất quý, đỡ phần nào chi phí khi nằm tại bệnh viện. 
 
Không chỉ dừng lại ở hàng chục ngàn bữa cơm miễn phí, với tấm lòng tương thân tương ái, nhóm đã nhiều lần giúp các trường hợp đặc biệt khó khăn. Đáng nhớ nhất, là câu chuyện của một bà mẹ người dân tộc thiểu số, có con nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi, hoàn cảnh khó khăn nhưng không may bị mất hết tiền, quần áo và đồ đạc. Nhóm đã đứng ra quyên góp quần áo, tiền và cung cấp các suất ăn hàng ngày để chị yên tâm chăm sóc con. Ngoài ra, nhóm đã nhiều lần quyên góp quần áo cho trẻ em vùng sâu, vùng xa và liên kết với các nhóm từ thiện khác để hỗ trợ lẫn nhau. “Liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để công tác thiện nguyện được hiệu quả và có sức lan tỏa hơn” - anh Khôi chia sẻ. 
 
“Để duy trì và phát triển Bếp bệnh viện 0 đồng, nhóm cần cố gắng hơn nữa, nhưng dù khó khăn đến mấy, với sự đồng lòng, chung sức của các thành viên và hơn hết là niềm vui của người bệnh, nhóm vẫn sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện này” - anh Khôi tâm sự.
 
NHẬT QUỲNH