Đồng hành xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

05:04, 12/04/2022
Là một tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình tập hợp, xây dựng Hội vững mạnh, quy tụ ngày càng nhiều hội viên, nghệ nhân ưu tú trên các lĩnh vực hoa - cây cảnh - đá - gỗ lũa... Nhiều năm qua, Hội đã tích cực tham gia vào chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh. 
 
Ông Nguyễn Đức Dũng
Ông Nguyễn Đức Dũng
Nhân dịp Đại hội Hội SVC tỉnh Lâm Đồng lần thứ V (nhiệm kỳ 2022-2027), phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Dũng - Chủ tịch Hội SVC tỉnh để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về kết quả nổi bật của Hội và hội viên trong nhiệm kỳ IV.
 
•  Phóng viên: Thưa ông, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực, tập thể Hội SVC tỉnh 5 năm qua đã có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương, vậy ông có thể cho biết những kết quả nổi bật đó là gì?
 
•  Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong 5 năm qua (2016-2021), các hoạt động của Hội SVC tỉnh đã từng bước gắn với các chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, các hoạt động văn hóa của địa phương; thực hiện được việc nâng cao tay nghề, phát triển tác phẩm SVC, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và cộng đồng dân cư. Công tác xây dựng, phát triển Hội đạt nhiều kết quả; vai trò của Hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng dân cư được nâng lên. 
 
Đến cuối năm 2021, số hội viên tăng lên 3.900 người, trong đó 3.200 hội viên sinh hoạt thường xuyên (tăng 14,3%) tại 78 chi hội xã, phường, thị trấn (tăng 39,3%) và 40 câu lạc bộ (tăng 8 lần) thuộc 11 huyện, thành hội; 53,6% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội SVC. 
 
Trong 5 năm qua, có 3 hội viên được công nhận nghệ nhân SVC Việt Nam, 30 hội viên được công nhận nghệ nhân SVC cấp tỉnh, 61 hội viên được công nhận nghệ nhân SVC cấp huyện. Đến nay, tỉnh có 7 nghệ nhân SVC Việt Nam, 52 nghệ nhân SVC cấp tỉnh, 198 nghệ nhân SVC cấp huyện.
 
Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích đất sản xuất, kinh doanh SVC của hội viên chiếm khoảng 150 ha, trong đó, 120 ha nhà lưới, nhà kính có hệ thống tưới tự động và bán tự động. Giá trị đầu tư cơ sở vật chất sản xuất SVC cả tỉnh (chưa bao gồm sản phẩm SVC) khoảng 500 tỉ đồng, trong đó, khoảng 15 ha có mức đầu tư trên 10 tỉ đồng/ha. 
 
Số lao động làm việc trực tiếp thường xuyên ở các cơ sở sản xuất SVC trên 8.000 người. Nhiều tác phẩm độc đáo có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã xuất hiện tại các vườn cây, cơ sở điêu khắc gỗ. Hoạt động SVC kéo theo chuỗi hàng trăm cơ sở sản xuất đôn chậu, giá thể, phân bón,... phục vụ cho SVC, ước tính có khoảng hơn 5.000 lao động được tạo việc từ các ngành nghề phụ trợ. Doanh thu từ SVC năm 2020 của hội viên đạt 1.200 tỉ đồng, bình quân 8 tỉ đồng/ha. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 8 triệu đồng/tháng.
 
•  Phóng viên: Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, các nghệ nhân, hội viên Hội SVC trong tỉnh đã hăng say, tích cực đóng góp chung cho hoạt động Hội và phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ông có thể cho biết một vài nét thành công cơ bản này?
 
•  Ông Nguyễn Đức Dũng: Khi kinh tế phát triển, đời sống dân cư được cải thiện, các loài hoa, cây cảnh, các tác phẩm nghệ thuật SVC khác đã trở thành nhu cầu lớn trong dân cư và điều kiện tự nhiên đa dạng là những điều kiện để phát triển phong trào SVC, gắn làm kinh tế với chăm sóc, tôn tạo môi trường sống của người dân. Các phong trào SVC Lâm Đồng trong nhiều năm qua ở khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã phát triển tương xứng. 
 
Tại các cuộc triển lãm cấp tỉnh trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần VII - năm 2017, lần VIII - năm 2019, Tuần lễ văn hóa Trà, Tơ tằm Bảo Lộc - 2019, mỗi lần trưng bày đã có hơn chục ngàn chậu hoa, cây cảnh, hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ, đá mỹ nghệ,... của hội viên tại Công viên Hoa, Khu vực hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt) và một số điểm ở thành phố Bảo Lộc, các thị trấn trong tỉnh.
 
Hội còn tham gia các cuộc triển lãm ngoài tỉnh như: Lễ hội Bonsai Suseky châu Á Thái Bình Dương (năm 2019 ở TP Hồ Chí Minh) và các triển lãm do các hội tỉnh, thành bạn tổ chức. Số cây cảnh tham gia trưng bày là 300 cây. Hội thi cấp tỉnh tổ chức hàng năm như: Hội thi hoa lan gắn với Festival Hoa hoặc Hội Hoa xuân tổ chức tại thành phố Đà Lạt, mỗi lần có 300-400 chậu hoa lan tham dự.
 
Ngoài ra, Cậu lạc bộ Chim cảnh của Hội SVC tỉnh đã tổ chức 1 cuộc thi Tiếng hót chim chào mào (2017) với hơn 200 chim của 50 hội viên trong và ngoài tỉnh tham dự. Kết quả, Hội đã đoạt nhiều giải thưởng được Hội SVC Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao, được Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, Hội Hoa xuân Đà Lạt và ban tổ chức các triển lãm, hội thi khác trao tổng cộng 268 huy chương. Trong đó có 96 huy chương vàng, 100 huy chương bạc, 72 huy chương đồng và nhiều giấy chứng nhận cho hội viên của tỉnh.
 
Hàng năm, các nghệ nhân, hội viên SVC trong tỉnh đã hỗ trợ, cung cấp hàng ngàn cây cảnh trang trí, các sản phẩm bon sai, đá cảnh cho các công viên, bệnh viện, trường học, cơ quan, cơ sở tôn giáo, đặc biệt, trong các dịp lễ, tết cung cấp đa dạng các sản phẩm cho các công ty, các khu, điểm du lịch, khách sạn,... phục vụ thiết kế, xây dựng các tiểu cảnh. 
 
Ngoài tiêu thụ trong nước, thị trường tiêu thụ hoa của tỉnh nói chung và của hội viên SVC nói riêng còn xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu, châu Úc,... từng bước nâng giá trị, khẳng định thương hiệu các tác phẩm nghệ thuật hoa cao cấp, bon sai cao cấp và đá quý, gỗ lũa giàu tiềm năng. 
 
Ghi nhận những cống hiến của Hội SVC Lâm Đồng trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng 25 bằng khen cho tập thể và 42 bằng khen cho cá nhân. Trung ương Hội tặng 1 cờ xuất sắc cụm thi đua cho tỉnh Hội, 1 cờ đơn vị xuất sắc giai đoạn 2016-2021, 4 bằng khen tập thể và cá nhân; 318 kỷ niệm chương cho các lãnh đạo địa phương quan tâm giúp đỡ Hội và hội viên tiêu biểu...
 
Ngoài ra, thông qua tham gia các lễ hội, triển lãm ở tỉnh và các tỉnh bạn, nhiều tổ chức hội, hội viên được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và 268 huy chương, trong đó, có 96 huy chương vàng. Đây là cơ sở quan trọng nhất để xem xét tặng danh hiệu nghệ nhân SVC cấp tỉnh, đề nghị Trung ương Hội công nhận nghệ nhân SVC Việt Nam.
 
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
 
NGUYỆT THU (thực hiện)