Căn cứ theo tình hình thực tiễn năm kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp quan trọng, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trong năm 2021 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh.
|
Công trình Sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi tại Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao tỉnh tại Đà Lạt - một công trình trọng điểm của tỉnh đang được gấp rút thi công |
•
GIẢI NGÂN ĐẠT 94% KẾ HOẠCH
Năm 2021, có thể nói là năm mang nhiều ý nghĩa - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025; thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng như thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
So với mặt bằng chung của cả nước, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Lâm Đồng chiếm tỷ trọng nhỏ, tổng vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh trên 5.534,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương trên 3.639,8 tỷ đồng, ngân sách Trung ương trên 1.895 tỷ đồng. Tuy nhiên, Lâm Đồng xác định đây là nguồn lực hết sức quan trọng, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn đầu tư công sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng cũng như các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng cho biết, công tác phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 được triển khai nghiêm túc theo các nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định khác của Trung ương. Trong đó, tỉnh tập trung bố trí vốn dứt điểm các dự án theo tiến độ thực hiện, không dàn trải, cắt khúc; bố trí vốn cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, tạo sức lan tỏa, liên kết các vùng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế; đồng thời, cũng cần đảm bảo công khai, minh bạch trong phân bổ vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công trên địa bàn.
Nhờ kế hoạch đầu tư công năm 2021 được giao sớm đã tạo điều kiện cho các địa phương, sở, ngành và chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn được bố trí. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công theo các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 và số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 642/VPCP-KTTH ngày 26/1/2021.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh quyết toán ngay khi có khối lượng; tổ chức nhiều đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai thực hiện dự án của các địa phương, các đơn vị và chủ đầu tư để đôn đốc, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Nếu không tính số vốn 731,495 tỷ đồng được Trung ương giao trễ, số vốn được HĐND tỉnh bổ sung từ nguồn tăng thu và số vốn 134,770 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài ODA đang đề xuất hoàn trả ngân sách Trung ương, tỷ lệ giải ngân bình quân toàn tỉnh trong năm 2021 đạt 94% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa giải ngân được do một số dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiếu nhân, vật lực nên được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2022 để đảm bảo đầu tư hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư.
•
ƯU TIÊN VỐN CHO CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM
Sở Kế hoạch và Đầu tư đến nay đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm. Cụ thể, như Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc với số vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng (Lâm Đồng là một trong những tỉnh được bố trí vốn ngân sách đối ứng lớn để xây dựng đường cao tốc). Rồi các công trình lớn như hồ chứa nước Ta Hoét, Đức Trọng (981 tỷ đồng); hồ chứa nước Đông Thanh, Lâm Hà (495 tỷ đồng); Khu văn hóa thể thao Đà Lạt (499 tỷ đồng); đường vành đai thành phố Đà Lạt (800 tỷ đồng); nâng cấp mở rộng đèo Prenn (554 tỷ đồng); xây dựng đường ĐT 722 (600 tỷ đồng) cùng nhiều dự án khác quy mô lớn ở các địa phương, có sức lan tỏa, liên kết các vùng.
Theo Sở, công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn được thực hiện bảo đảm đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, nghị quyết của HĐND các cấp. Việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn được thực hiện theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên như sau: bố trí để hoàn trả vốn ứng trước; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA; bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành, quyết toán; bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương đối với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương; bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp; bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn cho dự án khởi công mới.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 443 hồ sơ trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án mới với tổng mức đầu tư 22.234 tỷ đồng. Sở đã thẩm định và trình phê duyệt chủ trương 260 dự án đủ điều kiện với số vốn 11.601 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, tỉnh chủ trương kiên quyết không thực hiện đối với các dự án đề xuất không phù hợp quy hoạch, không phát huy hiệu quả, chưa mang tính chất kết nối liên vùng với các huyện khác, chưa định hướng phát triển lâu dài, quy mô đầu tư không phù hợp, suất đầu tư không hợp lý, chi phí giải phóng mặt bằng lớn.
Chính vì vậy, trong Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung đầu tư vào các dự án lớn, các công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án có tính chất liên kết có khả năng dẫn dắt, thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư. Đồng thời, trong công tác kế hoạch, gắn trách nhiệm trong từng khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, xây dựng, triển khai thực hiện dự án. Phương thức phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đã có bước đổi mới, gắn với việc thực hiện khâu đột phá về đầu tư hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Nhờ đó, số lượng dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã giảm so với giai đoạn 2016-2020. Việc điều hành kế hoạch ngân sách hằng năm, điều chuyển nội bộ nguồn vốn kế hoạch được thực hiện kịp thời, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quy trình, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu cũng khá quan trọng. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lựa chọn 3.900 gói thầu với tổng giá gói thầu 7.803 tỷ đồng, giá trúng thầu 7.646 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 2,02%. Trong đó, đấu thầu rộng rãi 957 gói, tổng giá gói thầu 6.587 tỷ, giá trúng thầu 6.449 tỷ; tỷ lệ giảm giá 2,1%; đấu thầu rộng rãi qua mạng 887 gói, tổng giá gói thầu 4.972 tỷ, giá trúng thầu 4.852 tỷ, tỷ lệ giảm giá 2,4%. Tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt gần 92,7% số gói thầu, gần 75,5% giá trị gói thầu (theo quy định 70% số gói thầu, 35% giá trị gói thầu).
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, việc vận động dân tham gia chia sẻ lợi ích cùng Nhà nước trong giải phóng mặt bằng luôn được chú ý. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tham gia vận động người dân hiến đất, tính toán giá trị đền bù hợp lý, nhiều địa phương thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng điển hình như Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đức Trọng, Bảo Lộc... Đối với các dự án có chi phí đền bù lớn nhưng người dân chưa đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thì tỉnh cũng kiên quyết sẽ tạm dừng và điều chuyển số vốn để thực hiện các dự án được sự đồng thuận của Nhân dân nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Trong thời gian đến, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng cho biết sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo tỉnh trong tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển, kế hoạch đầu tư các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm và thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh, góp phần đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
GIA KHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin