Chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số ở Đức Trọng thu hẹp dần khoảng cách

05:04, 27/04/2022
Trong 72 trường học của huyện Đức Trọng, gần 100% trường có học sinh dân tộc thiểu số (DTTS); trong đó, có nhiều trường tỷ lệ học sinh DTTS chiếm từ 80 - 90%. Bằng nhiều giải pháp, biện pháp, chất lượng giáo dục học sinh DTTS của huyện vẫn duy trì ổn định và thu hẹp khoảng cách với trường có điều kiện thuận lợi. 
 
Xã Phú Hội đa số là đồng bào DTTS nhưng Trường THCS đã đạt chuẩn quốc gia mấy năm nay
Xã Phú Hội đa số là đồng bào DTTS nhưng Trường THCS đã đạt chuẩn quốc gia mấy năm nay
 
•  DUY TRÌ SĨ SỐ VÀ LÊN LỚP TRÊN 99%
 
Năm học 2021-2022, huyện Đức Trọng có 72 trường học, trong đó, 63 trường công lập (28 trường mầm non, 24 trường tiểu học và 20 trường THCS). Tổng số học sinh (HS) DTTS là 13.389 HS, trong đó, THCS 4.368, tỷ lệ 32,6%; tiểu học 7.230 em, tỷ lệ 35,1%; mầm non 141 HS, tỷ lệ 17,4%. Thời điểm tháng 4/2022, làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Đức Trọng, Phó Trưởng phòng Hồ Thị Hồng Châu cho chúng tôi biết một số kết quả về giáo dục dân tộc. Việc duy trì sĩ số HS và tỷ lệ lên lớp hàng năm đều đạt trên 99%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm trên 99,8%. Chất lượng giáo dục đại trà đạt cao, các trường vùng đồng bào DDTS hàng năm đều có HS tham gia thi HS giỏi các cấp và đoạt giải. Gần đây, tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật, HS Ka Thụy Anh, Ka Hợp (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS) đoạt giải Nhì cấp huyện và tỉnh; HS Ya Chí Ân (THCS Phú Hội) đoạt giải Nhì cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh; HS Ma Mãn (THCS Võ Thị Sáu) đoạt giải Khuyến khích cấp huyện. HS giỏi cấp huyện có HS Sơ Ao K’Nêu (PTDTNT THCS) đoạt giải Nhì môn lịch sử cấp huyện và cấp tỉnh; HS Cil Khánh Đoan (PTDTNT THCS) đoạt giải Khuyến khích môn lịch sử cấp huyện, đoạt giải Ba cấp tỉnh; HS Bơ Ju Ma Nhiên (TH&THCS Tà Năng) đoạt giải Ba môn lịch sử cấp huyện, đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh. Về thể thao, PTDTNT THCS đạt Nhất toàn đoàn cấp huyện; các giải điền kinh, kéo co, đẩy gậy có HS THCS Sơn Trung, TH&THCS Tà Hine, THCS Võ Thị Sáu... Phòng GDĐT Đức Trọng đoạt giải Ba toàn đoàn Đại hội Thể dục thể thao ngành Giáo dục Lâm Đồng năm 2022. Hiện nay các xã vùng địa bàn DTTS của Đức Trọng đều hoàn thành phổ cập mầm non, phổ cập tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2...
 
Với sự tổng lực Nhà nước, xã hội, nhà trường, Đức Trọng đã có 50/63 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 79,4%. Trong đó, trường vùng có đông đồng bào DTTS đã đạt chuẩn quốc gia gồm các trường mẫu giáo: Tà Năng, Tà Hinie, K’Nai, Phú An; các trường tiểu học: K’Nai, Đà Loan. Đặc biệt, sự quan tâm, đầu tư phát triển của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Riêng năm học 2020-2021, các trường Mẫu giáo Đà Loan, Định An, Tà Năng và K’Nai; các trường tiểu học: Sơn Trung, Đà Loan, Ninh Gia; TH &THCS K’Nai; các trường THCS: N’Thol Hạ, Nguyễn Trãi, Đà Loan, Tà Năng Phú Hội đã được đầu tư với tổng kinh phí hơn 47,3 tỷ đồng. Kết quả xây dựng được 64 phòng học, 40 phòng chức năng và phòng bộ môn, nhiều khu hiệu bộ, khu làm việc, thư viện, bếp ăn của HS, nhà vệ sinh, sân bãi...
 
•  ĐỘI NGŨ LÀ NÒNG CỐT, TIẾNG VIỆT LÀ CHÌA KHÓA 
 
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là một trong những giải pháp quan trọng để đưa chất lượng giáo dục dân tộc ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa HS DTTS và HS dân tộc Kinh. Huyện Đức Trọng tiếp tục củng cố và phát huy tốt vai trò lực lượng giáo viên cốt cán vùng sâu, vùng dân tộc nhằm tổ chức các hoạt động chuyên đề, trao đổi chuyên môn, ra đề kiểm tra phù hợp với đặc điểm vùng dân tộc. Cùng đó, tổ chức tốt các hội thảo chuyên đề nâng cao chất lượng, đảm bảo phù hợp đối tượng HS. Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc cả số lượng và chất lượng...
 
Cùng với đội ngũ, nhiệm vụ giải pháp quan trọng là tăng cường tiếng Việt cho HS. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, vào năm học mới, Đức Trọng triển khai ngay chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS, chương trình lớp ghép theo hướng đổi mới đối với các lớp có 2-3 độ tuổi. Có 10/28 trường với 1.411 HS DTTS thực hiện tăng cường tiếng Việt. Có giải pháp phù hợp để trẻ được tiếp cận và làm quen chữ viết qua hiều hình thức. Cùng đó là tăng cường giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đảm bảo an toàn cho trẻ. Đức Trọng đã có 8/28 trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non lớp ghép. Giáo viên được trang bị tài liệu, bồi dưỡng chuyên môn để tổ chức các hoạt động cho trẻ với các độ tuổi khác nhau, phù hợp thực tế tại nhóm lớp.
 
Nâng chất lượng giáo dục dân tộc, Đức Trọng đồng thời triển khai nhiều giải pháp, biện pháp khác như: tăng cường giao lưu học tập về chuyên môn nghiệp vụ giữa các trường; xây dựng các kế hoạch hoạt động từng trường; giảm tỷ lệ HS yếu, kém và từng bước nâng tỷ lệ HS khá, giỏi; phát hiện, bồi dưỡng giáo viên giỏi để làm nòng cốt… Nắm tình hình sát thực, kiểm tra, nhận định, đánh giá và đúc rút kinh nghiệm kịp thời về những mặt còn hạn chế thiếu sót. Theo bà Hồ Thị Hồng Châu, công tác duy trì sĩ số HS vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa ở Đức Trọng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn giữa vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa và vùng thuận lợi có chuyển biến nhưng chưa mạnh; vẫn còn khoảng cách về xã hội hóa giáo dục ở một số xã vùng dân tộc. Việc tham gia bảo hiểm y tế, học phí cho HS DTTS đôi lúc chưa kịp thời. “Vì vậy các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách về học bổng để khuyến khích HS DTTS vươn lên trong học tập”, bà Châu nói. 
 
MINH ĐẠO