Điểm sáng hiến đất, làm đường ở Lạc Dương

04:04, 22/04/2022
Tại địa bàn huyện Lạc Dương, hầu hết các dự án liên quan tới mở đường từ trước tới nay đều được Nhân dân tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình vào phục vụ đời sống Nhân dân.
 
Ông Đào Quang Trinh bên phần đất gia đình vừa hiến để Nhà nước mở rộng đường Duy Tân, thị trấn Lạc Dương
Ông Đào Quang Trinh bên phần đất gia đình vừa hiến để Nhà nước mở rộng đường Duy Tân, thị trấn Lạc Dương
 
•  NGƯỜI DÂN PHẤN KHỞI HIẾN ĐẤT 
 
Trời nhá nhem tối, ông anh Đào Quang Trinh (48 tuổi, ngụ tổ dân phố Đăng Gia Dền B, thị trấn Lạc Dương) vẫn tất bật dọn dẹp vật dụng phía phía trước nhà để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng đường Duy Tân, nối liền trục đường chính của thị trấn vào buôn B’Nơ C. 
 
Trước đó, chưa đầy nửa năm, trong cuộc họp vận động hiến đất làm đường, anh Trinh cũng như hàng trăm hộ gia đình khu vực này được chính quyền địa phương và chủ đầu tư về họp dân để xin ý kiến bà con về việc mở rộng tuyến đường Duy Tân. “Bà con nghe làm đường mở rộng rất phấn khởi nên ai cũng đồng ý, không đắn đo chuyện hiến đất để Nhà nước làm. Cá nhân gia đình tôi ngoài hiến khoảng 120 m 2 đất mặt tiền còn phá bỏ toàn bộ tường rào và một phần của dãy nhà trọ đang cho thuê để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư” - anh Trinh nói và cho biết thêm, chỉ tính riêng 120 m 2 đất trên, nếu quy đổi ra tiền theo giá trị đất trên thị trường đã có giá trên 1 tỷ đồng. Thế nhưng, vì lợi ích chung và lâu dài, gia đình anh cùng bà con nơi đây không ai tính toán chuyện thiệt hơn.
 
Trong khi đó, cạnh nhà ông Trinh chưa đầy 100 m, ông Phạm Văn Hộ cho biết, ban đầu khi nghe mở rộng tuyến đường, gia đình ông cũng đôi phần lưỡng lự vì diện tích đất hiến khá lớn. Tuy nhiên, suy ngẫm lại đường lớn mở khang trang, sạch đẹp, giao thông đi lại thuận tiện, an toàn lớn hơn cái thiệt thòi trước mắt nên gia đình đã đồng lòng hiến đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư mà không yêu cầu phải bồi thường giá trị đất Nhà nước thu hồi để mở đường. Ông Hộ vui vẻ chia sẻ, khu vực đường mở rộng tại đây có nhiều thuận lợi hơn các nơi khác. “Nhiều nơi bà con phải tự bỏ đất, rồi đóng góp tiền của để mở đường mà đi còn mình chỉ hiến đất, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị triển khai nên người dân rất phấn khởi” - ông Hộ nói.
 
Theo thống kê, hầu hết các dự án mở đường trên địa bàn huyện Lạc Dương đều không mất tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngay cả ở khu vực trung tâm thị trấn Lạc Dương, mỗi mét vuông đất có giá lên tới hàng chục triệu đồng nhưng khi Nhà nước mở rộng các tuyến đường, người dân cũng đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án để phục vụ lại chính bà con. Đi cùng với sự đồng thuận hiến đất, bà con tự nguyện đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công mở đường là không xảy ra cảnh khiếu kiện kéo dài hoặc cưỡng chế thu hồi đất gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
 
•  CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC
 
Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Lạc Dương cho biết, xác định đầu tư xây dựng cơ bản là tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho bà con Nhân dân, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Lạc Dương đặc biệt quan tâm tới việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới nhiều tuyến đường. 
 
Khó khăn ban đầu là ngân sách địa phương hạn hẹp nên các dự án hầu như không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Để triển khai dự án, huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chủ đầu tư tới từng gia đình vận động bà con chia sẻ, đồng hành bằng việc hiến đất để Nhà nước mở đường. Chính vì vậy, chỉ tính riêng 9 dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã có 752 gia đình và tổ chức, hiến khoảng 85.000 m2 đất. Còn tính trong năm 2021, huyện đã vận động được 626 hộ gia đình với diện tích đất hiến là 4,9 ha để xây dựng các công trình giao thông nông thôn. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh cho biết, để tạo được sự đồng thuận của bà con trong việc hiến đất mở đường, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư đều phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ người dân, công khai, minh bạch về dự án, nói rõ dự án không có hạng mục bồi thường khi giải phóng mặt bằng và thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tức Nhà nước bỏ vốn, bà con bỏ mặt bằng. Do đó, trong khoảng 10 năm nay, theo ông Minh, toàn bộ các công trình giao thông, kể cả đường giao thông nông thôn và đường đô thị trên địa bàn huyện đều vận động người dân tự nguyện hiến đất để Nhà nước làm đường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
 
CHÍNH PHONG