Giáo dục địa phương - đưa người học đến gần với thực tiễn

05:04, 20/04/2022
Giáo dục địa phương (GDĐP) là tài liệu bắt buộc được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, chiếm 20% thời lượng giảng dạy. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT, quy định việc thẩm định tài liệu GDĐP do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn. Theo đó, có 5 tiêu chí thẩm định tài liệu. 
 
Tập huấn Tài liệu GDĐP Lâm Đồng lớp 1 trực tuyến toàn tỉnh
Tập huấn Tài liệu GDĐP Lâm Đồng lớp 1 trực tuyến toàn tỉnh
 
•  SINH ĐỘNG, HỨNG THÚ, GẮN KẾT VỚI THỰC TIỄN
 
Năm tiêu chí của tài liệu GDĐP bao gồm: điều kiện tiên quyết; nội dung; phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá; cấu trúc và hình thức trình bày; ngôn ngữ sử dụng. Trong đó, về tiêu chí nội dung tài liệu yêu cầu thể hiện đúng và đầy đủ các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương; các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương và các nội dung khác theo nội dung giáo dục địa phương quy định trong chương trình GDPT; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng. Các thành tựu khoa học mới liên quan được cập nhật và phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT. Tài liệu có tính mở, khuyến khích cách tiếp cận đa dạng bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đối với nội dung GDĐP. Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được thể hiện hợp lý. Về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá trong tài liệu, nội dung tài liệu tạo điều kiện cho giáo viên (GV) vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh... Tài liệu GDĐP do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định. 
 
Một câu hỏi đặt ra là, nội dung GDĐP hiện không có GV chuyên trách, vậy có thể phân công đội ngũ giảng dạy nội dung này ra sao? Giải pháp là, việc phân GV phụ trách dựa trên số lượng GV của trường và năng lực chuyên môn của GV. Ví dụ, các chủ đề về văn hóa, lịch sử có thể do GV lịch sử đảm nhận. Chủ đề địa lý, kinh tế, hướng nghiệp do GV địa lý thực hiện. Chủ đề liên quan đến chính trị xã hội có thể do GV giáo dục công dân thực hiện. Chủ đề môi trường được thực hiện bởi GV sinh học...
 
•  NỖ LỰC TRIỂN KHAI ĐỂ KỊP LỘ TRÌNH 
 
Đầu năm học 2021-2022, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở GDĐT về tài liệu GDĐP ở tỉnh Lâm Đồng, bà Phạm Thị Hồng Hải cho biết, đối với lớp 1, đã xây dựng hoàn chỉnh gửi Bộ GDĐT phê duyệt, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu. Cùng đó, Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7226 ngày 4/11/2019 về việc biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện tài liệu GDĐP. Sở GDĐT đã ban hành Khung Chương trình tài liệu GDĐP cấp THCS và THPT trong Chương trình GDPT 2018. Sở cũng đang tiến hành thu thập tài liệu biên soạn tài liệu GDĐP lớp 2 và lớp 6... Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cũng cho biết, tiến độ biên soạn tài liệu GDĐP lớp 2 và lớp 6 chậm so với kế hoạch, Sở phối hợp với nhà xuất bản để đẩy nhanh tiến độ biên soạn tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo theo lộ trình của Chương trình GDPT 2018.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non của Sở GDĐT Lâm Đồng, việc xây dựng nội dung GDĐP cơ bản thuận lợi bởi địa phương được tự chủ, lựa chọn và xây dựng chương trình hợp lý, sát với điều kiện và các yếu tố của địa phương. Tuy nhiên, thực tế từ năm học 2021-2022, tài liệu GDĐP lớp 1 mới được đưa vào áp dụng, do tài liệu xuất bản chậm và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, đến ngày 18/2/2022, Sở GDĐT Lâm Đồng ban hành Văn bản hướng dẫn thực hiện tài liệu GDĐP lớp 1; ngày 26 và 27/2 mới tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu. 
 
Để có tài liệu GDĐP đảm bảo các tiêu chí của Thông tư 33, thực tế phải qua nhiều bước. Từ việc thành lập biên soạn; lấy ý kiến góp ý về nội dung của các sở, ngành, đơn vị, tổ chức và địa phương cấp huyện liên quan; khâu thẩm định kỹ lưỡng... Vì vậy, ngoài năng lực chuyên môn của các tác giả tham gia biên soạn; đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật... của mỗi ủy viên thẩm định; chất lượng việc tổ chức thực nghiệm; quá trình chỉnh sửa tài liệu, còn rất cần sự phối hợp nhiệt tình, có trách nhiệm cao của các đơn vị liên quan. Đó còn là quá trình sử dụng tài liệu GDĐP tại các cơ sở giáo dục. Một trong những yêu cầu đối với GV khi dạy là áp dụng phù hợp và tăng tính kết nối. Theo đó, trục hướng đến là giới thiệu - tìm hiểu - nhận biết - trải nghiệm để học sinh hiểu biết và thực hành trong điều kiện thực tế địa phương. 
 
Được biết, đầu tháng 4/2022, Sở GDĐT đã quyết định thành lập Ban Biên soạn Tài liệu GDĐP tỉnh Lâm Đồng lớp 7 và tổ chức tập huấn dạy học nội dung GDĐP tỉnh lớp 6. Sở GDĐT đang tiến hành tổ chức biên soạn tài liệu GDĐP các lớp tiếp theo ở cả 3 cấp học (Ttểu học, trung học cơ sở và THPT), tuy nhiên, Sở này cũng cho biết, việc tìm kiếm nguồn tư liệu để biên soạn tài liệu còn nhiều khó khăn. 
 
MINH ĐẠO