Nếu Cát Tiên là vựa lúa của Lâm Đồng, thì Gia Viễn là vựa lúa của Cát Tiên. Cánh đồng lúa mênh mông trải rộng giữa những vạt đồi thấp làm nên một vùng quê xanh tươi như bức tranh. Để có được điều đó, bằng tất cả nội lực, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một sức bật mạnh mẽ và Gia Viễn là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao; đến nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Nằm cách trung tâm huyện Cát Tiên 8 km về phía Bắc, Gia Viễn là trung tâm của 4 xã gồm: Gia Viễn, Nam Ninh, Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng. Diện tích tự nhiên 2,847,07 ha, tổng dân số toàn xã có 1.130 hộ/3.970 khẩu, gồm 7 thôn và 1 bản với 15 dân tộc anh em cùng sinh sống. Là xã thuần nông, sản xuất chính là cây lúa, trước đây, việc đi lại giữa các xóm chủ yếu là đường đất nhỏ, men theo các chân đồi, gò, bờ ruộng, đời sống của người dân vì thế mà cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2012, Gia Viễn chính thức bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí đạt thấp. Các tiêu chí chưa đạt còn lại đều là các tiêu chí khó, cần có nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng như: thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục. Trước những khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định trước tiên phải tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, coi đó là nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác.
Theo hướng đó, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng phù hợp, có giá trị cao vào sản xuất. Để người dân phát triển đúng hướng, xã đã rà soát, lựa chọn các mô hình điển hình, phát huy được thế mạnh của địa phương, kết hợp phát huy nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cùng Nhân dân tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xã đã xây dựng được các mô hình có hiệu quả với 9 tổ hợp tác (gồm 8 tổ hợp tác sản xuất lúa và 1 tổ hợp tác chăn nuôi bò) và 4 hợp tác xã (HTX) gồm: 2 HTX nông nghiệp là HTX NN và DV Tân Hưng Phát với 126 thành viên, vốn điều lệ là 1 tỷ đồng; HTX NN và DV Trung Thành với 12 thành viên, vốn điều lệ 2,150 tỷ; có 1 HTX nuôi trồng thủy sản HTX Hồng Thủy Cát Tiên với 9 thành viên vốn điều lệ 0,9 tỷ; có 1 HTX thương mại dịch vụ, HTX TM, DV Lộc Phát với 10 thành viên vốn điều lệ 0,2 tỷ)... Qua việc phát triển các mô hình, các tổ hợp tác, HTX đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển vùng chuyên canh trồng lúa, thu nhập của các hộ dân không ngừng tăng lên.
Đời sống Nhân dân đổi thay, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp công, góp sức xây dựng nông thôn, đặc biệt là các tiêu chí về hạ tầng nông thôn. Nhờ có hướng đi đúng đắn, phát huy được thế trận lòng dân, hàng loạt các tiêu chí cứng khác như: môi trường, y tế, nhà ở dân cư, an ninh quốc phòng cũng dần được hoàn thiện. Kinh tế ngày phát triển, các ngành nghề phụ, dịch vụ đã có bước phát triển mới, diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay, đời sống Nhân dân ấm no từng ngày. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt 81,5 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm của ở mức trung bình cao, hàng năm tăng 16-17%. Nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 37 triệu đồng/người/năm (năm 2015 xã Gia Viễn được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM) thì đến cuối năm 2020 là 56.36 triệu đồng/người/năm, tổng thu nhập năm 2020 của xã là 223.764 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần còn 0,88%, nếu năm 2016 có 53 hộ nghèo thì nay giảm còn 9 hộ, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1,37%... Đến nay, 97% đường giao thông trong xã đã được cứng hóa; 100% thôn, buôn giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa; 98% người dân tham gia BHYT tự nguyện; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; duy trì 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Nằm ở trung tâm cụm 4 xã phát triển du lịch của huyện (cùng với Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Nam Ninh), Gia Viễn nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, có rừng xanh và hồ nước Đắc Lô và những đồng lúa rộng mênh mông hiếm hoi ở miền rừng Nam Tây Nguyên. Dựa trên các tiềm năng du lịch hiện có, xã đang tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế. Trong thời gian tới, định hướng khai thác các mô hình du lịch tại địa phương như: Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, giúp du khách có trải nghiệm chân thực về giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch và con người Gia Viễn. Phát triển du lịch cộng đồng thu hút người dân, doanh nghiệp, khách du lịch để vừa nâng cao chất lượng đời sống văn hóa - tinh thần của người dân, bảo tồn nền văn hóa truyền thống, tạo việc làm tại chỗ, khẳng định quảng bá các sản vật địa phương. Trong nông nghiệp, tiếp tục ứng dụng biện pháp kỹ thuật, tăng cường gieo trồng giống cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị theo chuỗi liên kết, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh và tăng tỷ trọng các loại hình dịch vụ sửa chữa cơ khí, điện tử, xay xát, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tổng hợp.
Đến Gia Viễn, đi trên những con đường nông thôn, lối xóm khang trang ngập tràn màu vàng của hoa hoàng yến, màu hồng của cây hồng lộc. Những ngôi nhà được trùm lên bởi cây và hoa làm dịu đi cái nắng tháng tư gay gắt. Ông Nguyễn Đình Lập - Chủ tịch UBND xã cho biết: 10 năm trên hành trình đến nông thôn mới kiểu mẫu, dù có nhiều thuận lợi đan xen không ít gian nan, nhưng trước mọi nhiệm vụ, chúng tôi luôn trăn trở và tập trung trí tuệ của cả hệ thống chính trị, để tạo được sự thống nhất cao trong toàn Ðảng bộ và sự đồng thuận của Nhân dân. Niềm tin của người dân, cán bộ, đảng viên vào vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã là cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị và đi đến đích thành công hôm nay.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin