Ngày 11/4/1987 Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng được thành lập, như luồng gió thổi vào đời sống văn nghệ ở xứ sở thấm đẫm thi ca, nhạc, họa. 35 năm qua, vượt lên những khó khăn, thăng trầm, thử thách, Hội đã không ngừng phát triển toàn diện, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ dưới một mái nhà chung sáng tạo, góp phần xây dựng “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
|
Đưa tác phẩm mang vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng đến công chúng |
Ngày đầu chỉ có 79 hội viên sáng lập thuộc 4 chi hội chuyên ngành: văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, Hội không ngừng lớn mạnh, đến nay, đã có 281 hội viên sinh hoạt ở 11 chi hội: văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, văn nghệ dân tộc thiểu số, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc, Đạ Tẻh; trong đó, có 23,8% hội viên các chuyên ngành Trung ương. Ngoài ra, Hội còn có 6 CLB trực thuộc gồm: nhiếp ảnh, sáng tác trẻ, sân khấu - điện ảnh, thư pháp, dân ca và nhạc cổ truyền, thư họa Bảo Lộc với 558 thành viên. Dưới mái nhà văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đã đoàn kết, say mê sáng tạo, Ban chấp hành Hội gần đây thực sự đoàn kết, nhiệt huyết, mạnh dạn đổi mới, tạo mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, với công chúng, làm nên nhiều sân chơi với tinh thần văn học nghệ thuật bám rễ vào thực tiễn cuộc sống và phục vụ đời sống.
Hoạt động sáng tác luôn được Hội quan tâm hàng đầu, sau 35 năm Hội đã tổ chức 105 trại sáng tác trong và ngoài tỉnh với 1.575 lượt hội viên tham dự, sáng tác hơn 6.300 tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh... chất lượng. Các trại sáng tác và những chuyến thâm nhập thực tế đã nuôi lớn nguồn cảm hứng, sự rung động, xúc cảm và là nguồn chất liệu để hội viên tự giác sáng tạo nên hơn 140.000 tác phẩm các thể loại. Việc đưa văn học nghệ thuật đến gần công chúng ngày càng được chú trọng, Hội đã tổ chức nhiều sự kiện công bố, in ấn, phát hành, quảng bá tác phẩm. Cụ thể, Hội đã tổ chức 22 lần ngày Thơ, ngày Nhiếp ảnh, ngày Âm nhạc Việt Nam; tổ chức 31 lần triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật, thư pháp tại Đà Lạt và Bảo Lộc, công bố hơn 3.200 tác phẩm tiêu biểu; xuất bản 350 tuyển tập văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, văn nghệ dân gian, Đà Lạt Trẻ... Hỗ trợ triển lãm, xuất bản 300 lượt tác giả - tác phẩm. Tổ chức 24 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ viết ký, truyện ngắn; tổ chức ra mắt sách giao lưu với văn nghệ sĩ cả nước thu hút hơn 2.500 lượt hội viên tham dự. Qua đó xây dựng mối liên hệ gắn bó, tình cảm tốt đẹp với văn nghệ sĩ của 63 Hội VHNT các tỉnh - thành phố và 10 Hội chuyên ngành Trung ương, dự Trại sáng tác Đà Lạt.
Tạp chí Lang Bian của Hội không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, từng bước chuyên nghiệp, hấp dẫn ngày càng thu hút nhiều công chúng bạn đọc. Kể từ số đầu tiên xuất bản tháng 10/1987 đến nay đã ra được 222 số, đăng tải hơn 22.200 tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh... chất lượng. Phát hành hơn 160.000 cuốn từ tỉnh đến cơ sở, gửi giao lưu với 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành trong toàn quốc. Tạp chí tổ chức 5 cuộc thi VHNT và Thơ nữ toàn quốc thành công. Năm 2021, đã thiết kế đưa vào hoạt động “Tạp chí Lang Bian điện tử” phiên bản mới, hiện đại, quảng bá sâu rộng hình ảnh đất và người Lâm Đồng đến bạn bè trong và ngoài nước.
|
Tổ chức đi thực tế sáng tác tạo cơ hội cho hội viên sáng tạo nên tác phẩm chất lượng |
Nhằm tạo không khí thi đua sáng tạo, Hội đã tổ chức 15 cuộc thi “Ảnh nghệ thuật”, “VHNT Lâm Đồng đổi mới, phát triển”, “VHNT chào mừng 40 năm giải phóng Đà Lạt”, “Thơ dành cho Phụ nữ toàn quốc”, “Ca khúc dành cho thanh, thiếu niên”, thu hút hơn 6.000 tác phẩm của tác giả trong tỉnh, trong nước tham dự, huy động xã hội hóa hơn 1 tỷ đồng từ các nhà tài trợ. Phối hợp trao 2 lần Giải thưởng VHNT tỉnh Lâm Đồng vào năm 2013 và 2021 một cách trang trọng, tôn vinh 54 tác phẩm xuất sắc và tác giả có đóng góp tiêu biểu cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà. 35 năm, toàn Hội có hơn 700 lượt hội viên đoạt các giải thưởng VHNT cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, chuyên ngành nhiếp ảnh đã mang về hơn 200 huy chương vàng, bạc, đồng, cúp quốc gia và quốc tế - Lâm Đồng thuộc Top 10 tỉnh - thành phố mạnh nhất nước về nhiếp ảnh và nghệ thuật thị giác.
Hàng năm, Hội tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác VHNT” để các văn nghệ sĩ sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm, truyền lửa cho nhau và cùng cho ra đời nhiều tác phẩm hay về nội dung, tư tưởng, đẹp về hình thức nghệ thuật biểu đạt. Sự phấn đấu bền bỉ đã được ghi nhận bằng cờ thi đua xuất sắc, 97 bằng khen của UBND tỉnh, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương dành cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Trên bước đường thành công đó, có dấu ấn của các thế hệ lãnh đạo Hội: Bùi Minh Quốc, Vũ Long, Nguyễn Trung An, Trần Thăng, Trọng Thủy, Lê Sinh Thục, Trần Ngọc Trác, Lê Văn Công, Phạm Quốc Ca, Nguyễn Chí Long, Nguyễn Thanh Đạm; và các văn nghệ sĩ sáng tạo bằng tinh thần dấn thân, tận hiến: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á, Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Lý Hoàng Long, Nguyễn Bá Trung, Nguyễn Bá Nhân, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Bá Hảo, Dương Quang Tín, Bạch Ngọc Anh...; các nhà văn nhà thơ: Phạm Kim Anh, Nguyễn Tùng Châu, Lâm Tuyền Tĩnh, Hà Linh Chi, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Thái Huyền, Chu Bá Nam, Nguyễn Thanh Hương, Ninh Thế Hùng, Trần Đại, Nguyễn Khương Trung, Đặng Thị Thanh Liễu, Vũ Dậu, Phạm Vũ, Phạm Vĩnh, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Mộng Sinh, Uông Thái Biểu, Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn Hiếu...; các họa sĩ Đặng Ngọc Trân, Vi Quốc Hiệp, Phan Văn Gái, Phạm Mùi, Nguyễn Văn Lại, Vũ Văn Thành, Đinh Thanh, K’Minh Tuấn...; các nhạc sĩ Mạnh Đạt, Hà Huy Hiền, Đình Nghĩ, Krajan Dick, Dương Toàn Thiên...
Không thể kể hết những cái tên mà tác phẩm của họ làm đẹp, làm giàu thêm hồn đất, hồn người ở mảnh đất nhân văn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ông Hà Hữu Nết - Chủ tịch Hội cho biết: Vấn đề đáng lo ngại nhất của Hội hiện nay là xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận. Tuổi đời hội viên khá cao, bình quân 59 tuổi/hội viên. Do vậy, việc tạo nguồn, kết nạp hội viên trẻ (dưới 35 tuổi), đặc biệt là hội viên người dân tộc thiểu số là việc “cần làm ngay” và phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Hội phấn đấu kết nạp ít nhất 10 hội viên trẻ/năm, việc phát hiện và tạo nguồn sẽ hướng tới các trường phổ thông trung học, đại học, cao đẳng và đội ngũ trí thức trẻ có khả năng sáng tạo VHNT.
Ở tuổi 35, trải qua một bước tiến dài vượt bậc, Hội VHNT Lâm Đồng như chàng trai miền sơn cước, cường tráng, vạm vỡ, sung mãn, tràn đầy nhựa sống và ước mơ, khát khao được công hiến, khát khao muốn thể hiện và sẽ không ngừng khẳng định mình. Với tinh thần, lấy hội viên làm trung tâm hoạt động của Hội, lấy chất lượng tác phẩm làm thước đo năng lực văn nghệ sĩ, lấy chất lượng Tạp chí Lang Bian làm uy tín, thương hiệu của Hội, 10 năm tới, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tiếp tục xây dựng một mái nhà chung nồng ấm, đốt lửa đam mê sáng tạo để anh em văn nghệ sĩ thể hiện tài năng, khẳng định mình.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin