Lâm Đồng hiện có 3 cơ sở sản xuất thuốc đạt GMP-WHO (thực hành sản xuất thuốc tốt), 9 cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn GDP (thực hành tốt phân phối thuốc), trên 820 cơ sở bán lẻ thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), mạng lưới bán lẻ thuốc phủ rộng khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
|
Thanh tra Sở Y tế tỉnh kiểm tra công tác dược tại Nhà thuốc Phòng khám Đa khoa Phương Nam - TP Đà Lạt. |
Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng thuốc trên địa bàn tỉnh, trong đó có thuốc điều trị COVID-19. Trong năm 2021, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm Lâm Đồng đã lấy 663 mẫu, trả lời kết quả 739 mẫu; kết quả kiểm nghiệm không phát hiện số mẫu không đạt chất lượng. Cũng trong năm 2021, Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế tỉnh nhận và trả lời 33 hồ sơ xác nhận nội dung thông tin thuốc và chưa nhận được một thông tin nào về phản ứng có hại của thuốc từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 21/3/2022, các cơ sở sản xuất, bán buôn thuốc trên địa bàn tỉnh đều có phần mềm quản lý việc sản xuất và xuất nhập thuốc. Toàn tỉnh có 901 cơ sở kết nối liên thông ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, trong đó, gồm 6 công ty, 237 nhà thuốc và 664 quầy thuốc.
Trong năm 2021, Sở Y tế tỉnh tổ chức họp Hội đồng Tư vấn xét duyệt hành nghề 17 đợt với tổng số 756 hồ sơ, cấp được 285 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược và 303 Giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc GPP; 2 Giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc GDP; 111 Chứng chỉ hành nghề Dược; tiếp nhận và trả lời 33 hồ sơ hội thảo giới thiệu thuốc, 2 hồ sơ xác nhận nội dung thông tin quảng cáo mỹ phẩm.
Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế tỉnh) triển khai thực hiện 40 thủ tục hành chính theo các quyết định của UBND tỉnh. Phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra một số cơ sở hành nghề dược trên địa bàn tỉnh; kết hợp kiểm tra để hướng dẫn việc thực hiện các quy chế chuyên môn dược trong các lần kiểm tra thực hành tốt tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở Y tế tỉnh có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp thực hiện việc chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra Sở Y tế tỉnh đã tiến hành thanh tra 77 cơ sở hành nghề dược, gồm: 5 cơ sở bán buôn thuốc và 72 cơ sở bán lẻ thuốc; qua đó, phát hiện vi phạm và xử phạt 30 cơ sở với tổng số tiền 150,5 triệu đồng.
Lâm Đồng cơ bản đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất… phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu và phòng, chống dịch bệnh, kể cả trường hợp thiên tai. Đặc biệt, năm 2021, đã cơ bản đảm bảo vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trong ngành cơ bản thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn dược bệnh viện hiện hành.
Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh, khó khăn hiện nay của ngành Y tế, trong đó có ngành Dược còn thiếu nhân lực làm việc. Một số quy trình ISO có thời gian giải quyết quá ngắn, trong khi cơ quan quản lý tham mưu cấp phép phải thẩm định thực tế cơ sở mất nhiều thời gian do địa bàn tỉnh rộng, các cơ sở hành nghề dược triển khai rộng khắp các phường, xã trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2021, công tác thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, chiếm quá nhiều thời gian, gần như công việc đấu thầu chiếm trên 70% thời gian làm việc. Nhân lực làm việc đấu thầu làm công tác kiêm nhiệm, không đúng với chuyên môn được đào tạo, trong khi áp lực công việc quá lớn và văn bản quá nhiều và không cụ thể.
Từ thực tế này, Sở Y tế Lâm Đồng có báo cáo kiến nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) bên cạnh việc bổ sung nhân lực làm việc, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội tổ chức đấu thầu tất cả các mặt hàng thuốc nhằm giúp các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu để mua thuốc phục vụ cho người bệnh và thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Kiến nghị Bộ Y tế xây dựng và triển khai thực hiện phần mềm quản lý liên thông dữ liệu về cá nhân hành nghề dược trên toàn quốc và xin thành lập Phòng Quản lý hành nghề dược.
Kế hoạch công tác dược phẩm, mỹ phẩm trong thời gian tới tăng cường phối hợp giữa Sở Y tế tỉnh với các ngành chức năng trong việc phòng, chống sản xuất, lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong ngành Y tế. Triển khai các văn bản, quy chế chuyên môn được cập nhật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên môn dược; thực hiện các thủ tục hành nghề dược theo quy trình ISO và cải cách hành chính. Phòng Nghiệp vụ Dược tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế tỉnh trong công tác thẩm định đấu thầu thuốc của các đơn vị y tế của ngành; trong việc xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý dược phẩm và mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; đề xuất giải pháp xã hội hóa, thành lập trung tâm thu mua, buôn bán dược liệu được khai thác và nuôi trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin