Nhà khoa học đam mê nghiên cứu cây dược liệu

05:04, 04/04/2022
Được đào tạo bài bản qua trường lớp, cộng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, PGS-TS Trịnh Thị Điệp -  Trưởng khoa Hóa học và Môi trường (Trường Đại học Đà Lạt) đã ghi dấu ấn của mình bằng rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học từ cây dược liệu, để bào chế ra các sản phẩm thuốc điều trị bệnh cho con người.
 
PGS TS Điệp hướng dẫn cho học viên nghiên cứu dược liệu
PGS TS Điệp hướng dẫn cho học viên nghiên cứu dược liệu
 
Khi là cán bộ nghiên cứu ở Viện Dược liệu, bà Điệp đứng đầu một nhóm nghiên cứu chuyên về Chiết xuất Hóa thực vật, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính và bà đã luôn chú ý kết hợp việc đào tạo sinh viên, học viên cao học trong các đề tài, dự án do bà thực hiện. Hiện nay, là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt, bà vẫn tiếp tục coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, xác định nghiên cứu khoa học là yếu tố quyết định cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ở trường đại học và đang xây dựng nhóm nghiên cứu chuyên về Hóa học cây thuốc để nghiên cứu khám phá, khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc đầy tiềm năng trên vùng đất Tây Nguyên.
 
Đến nay, trong khuôn khổ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, bà đã công bố 4 bài báo khoa học trên Tạp chí Khoa học quốc tế và 64 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và hội nghị khoa học quốc tế, quốc gia. Hoàn thành 1 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 1 đề tài nghiên cứu nhánh cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Những ngày này, PGS-TS Trịnh Thị Điệp lại tiếp tục bắt tay nghiên cứu khoa học, và cây dược liệu ở vùng đất Tây Nguyên tiếp tục là nguồn nguyên liệu chính trong những đề tài nghiên cứu mới của mình. Để nghiên cứu và tìm ra 1 thành phần thuốc mới của 1 cây dược liệu, thường mất rất nhiều thời gian, và để cho ra kết quả ứng dụng được vào thực tiễn phải mất vài ba năm.
 
PGS-TS Trịnh Thị Điệp cho biết, đối tượng dược liệu được chọn để nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý là những cây thuốc có tiềm năng như: các loài đã được sử dụng chữa bệnh có hiệu quả trong dân gian nhưng còn ít được biết về thành phần hóa học và chưa được đánh giá tác dụng bằng thực nghiệm khoa học như cây lược vàng, cây niệt gió, cây hồng sâm Đà Lạt, xáo tam phân, xáo leo...; các loài cây thuốc đã được nghiên cứu và sử dụng nhiều ở nước ngoài, cây mọc tự nhiên hoặc được di thực vào Việt Nam nhưng chưa được khai thác sử dụng làm thuốc ở trong nước: cúc gai di thực, ban Âu, dây thường xuân, lan gấm; các loài cây qua sàng lọc hoạt tính sinh học của cao chiết toàn phần cho thấy có hoạt tính đáng chú ý, cần đi sâu vào tìm hiểu về thành phần hoạt chất cụ thể như lá đu đủ... Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, đề tài mới nhất, bà vừa công bố kết quả nghiên cứu thành phần hóa học và quy trình chiết xuất hoạt chất từ dây thường xuân trồng ở Đà Lạt làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ho và viêm đường hô hấp - đây là đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo do bà làm chủ nhiệm đề tài. Ngoài nhiệt huyết với chuyên môn của một nhà khoa học, bà còn dành thời gian và tâm huyết của mình để truyền lại các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được về lĩnh vực nghiên cứu dược liệu cho các em sinh viên đại học và học viên cao học ngành Dược học, ngành Hóa học thông qua việc hướng dẫn các em thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
 
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, PGS-TS Trịnh Thị Điệp khẳng định sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai các dự án, các đề tài nghiên cứu về cây dược liệu để góp phần mang đến nhiều sản phẩm có giá trị thực tiễn giải quyết các vấn đề của người bệnh trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, mong muốn các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ được nhiều người biết đến và sử dụng.
 
NGUYỆT THU