Niềm vui của những người ''lái đò''

09:04, 27/04/2022
(LĐ online) - Huân chương Lao động Hạng nhì là phần thưởng cao quý, là niềm vui lớn lao đối với bao thế hệ những “lái đò” trên mảnh đất Di Linh. 
 
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng ra lớp 100% và đã tự tin ở những sân chơi lớn
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng ra lớp 100% và đã tự tin ở những sân chơi lớn
 
DẠY CON CHỮ VÀ DẠY LÒNG NHÂN ÁI
 
Tôi đến Trường Tiểu học Tân Thượng 1, xã Tân Thượng huyện Di Linh khi lũ trẻ đang ùa ra sân chơi như bầy ong vỡ tổ. Trên những khuôn mặt trẻ thơ ấy luôn nở nụ cười rạng rỡ. Chắc bởi với các em, mỗi ngày tới trường thực sự là một ngày vui.
 
Khi đạt chuẩn quốc gia không còn là điều mới mẻ ở các ngôi trường, thì Trường Tiểu học Tân Thượng 1 vẫn chưa đạt được do thiếu diện tích và cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Nhưng ở nơi này có một thứ chắc chắn đủ đầy là tình thầy, cô đang chăm bẵm mỗi ngày cho những mầm non lớn khôn. 
 
Cùng tôi nhìn ngắm những đứa trẻ hồn nhiên đá bóng ở sân trường, cô Ka Hậu - Hiệu phó nhà trường đã nói rằng: Năm học này trường có 532 học sinh ở 5 khối lớp, 85% học sinh là con em đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn.Trường hiện có 38 giáo viên, nhân viên, trong đó có 7 người là người DTTS. Do thiếu quỹ đất nên ngoài điểm trường chính, trường còn có hai phân hiệu đóng tại thôn 3 và thôn 4 xã Tân Thượng. Các hoạt động của nhà trường cũng vì thế mà khó triển khai hơn, nhưng thầy cô đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn để đảm bảo đưa các em ra lớp.
 
Cô Ka Hậu năm nay 43 tuổi, cô có tròn 20 năm làm giáo viên và mới nhận nhiệm vụ quản lý vừa tròn 2 năm. Cô vẫn luôn thấy biết ơn thầy cô giáo đã cho mình con chữ và gieo vào lòng cô sự khát khao đưa con chữ đến với buôn làng. Bởi hơn ai hết, từ thực tiễn cuộc sống cô hiểu rằng, nếu không học, không biết chữ, sẽ chỉ quẩn quanh với đói nghèo. Với cô Ka Hậu, điều vui nhất “là dạy những đứa trẻ chưa biết gì thành biết đọc, biết viết”. 
 
Vườn rau nhân ái của học sinh ở Trường Tiểu học Tân Thượng 1
Vườn rau nhân ái của học sinh ở Trường Tiểu học Tân Thượng 1
 
Nhìn những đứa trẻ cắp sách tới trường, học tập, vui chơi là niềm hạnh phúc của thầy cô giáo Trường Tiểu học Tân Thượng 1. Bởi hiện nay, dù người Tân Thượng đã có cái nhìn đúng đắn hơn về việc cho con cái đi học, song vẫn chưa hết những người bảo rằng “trẻ em sinh ra, lớn lên và đi làm rẫy trồng cà phê”. Đó là lý do, ở nơi này vẫn chưa hết những tháng ngày thầy cô giáo miệt mài đi vận động con em tới lớp. Và con số 100% học sinh ra lớp để học tập, để vui cười như những gì tôi chứng kiến hôm nay là biết bao cố gắng không thể nói hết bằng lời của những người “lái đò”. 
 
Trong khuôn viên nhỏ của ngôi trường chưa đạt chuẩn quốc gia ấy, thầy cô đã dành một khoảng đất để chia cho các lớp trồng rau. Có lẽ đoán được những thắc mắc trong tôi, cô Ka Hậu bảo rằng: cơ sở vật chất trường được thừa hưởng từ trường cấp hai cũ, đằng nào thiếu cũng đã thiếu rồi, nhưng các thầy cô trong trường vẫn muốn dành một khoảng đất để các lớp thi đua trồng rau. Vừa dạy các em về kỹ năng sống, vừa dạy các em về lòng nhân ái và tình yêu thương. Bởi rau được trồng xanh tươi các lớp sẽ bán cho chính thầy cô giáo trong trường, nguồn tiền thu được dành để gây quỹ chăm sóc 6 cụ già neo đơn trên địa bàn xã. Cứ mỗi tháng, những tấm lòng, công sức của con trẻ, lại được thầy cô chuyển thành gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn…gửi tới các cụ.
 
Vườn rau nhỏ được chăm sóc tươi xanh, chính như cách mà thầy cô giáo nơi này vun trồng những tâm hồn non trẻ. Dẫu chưa đạt chuẩn quốc gia, dẫu còn nhiều gian khó, nhưng với những người làm nghề giáo nơi này, quả ngọt lớn nhất là nhìn nhìn những đứa trẻ thực sự lớn khôn.
 
Với sự nỗ lực của cácthầy cô giáo, những đứa trẻ ở Di Linh mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui
Với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, những đứa trẻ ở Di Linh mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui
HỌC SINH ĐINH TRANG THƯỢNG ĐÃ TỰ TIN RA CÁC SÂN CHƠI LỚN
 
Thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng vô cùng rạng rỡ khi chia sẻ với chúng tôi điều đó. Bởi với thầy, đó là niềm vui lớn nhất sau gần 8 năm nhận nhiệm vụ quản lý ở mái trường này. 
 
Cùng với Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Trang Thượng là một trong ba xã khó khăn nhất của Di Linh với hơn 70% dân số là người đồng bào DTTS, đời sống bà con còn thấp so với mặt bằng chung của huyện. Tôi đến ngôi trường này khi khu nhà hiệu bộ vẫn còn đang được xây dựng ngổn ngang, bởi những thiếu thốn về cơ sở vật chất nên ngôi trường này cũng chưa chạm tới mức chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục. Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng tới những cống hiến, cố gắng miệt mài của thầy và trò nơi này.
 
Trường hiện có 665 học sinh. Trong đó có hơn 500 học sinh là con em đồng bào DTTS. Cũng như những địa bàn vùng sâu, khó khăn khác, câu chuyện học sinh ra lớp vẫn luôn là nỗi trăn trở của những người thầy giáo, cô giáo. Nhưng với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng, đến giờ phút này, sau gần 8 năm nỗ lực, họ đã có thể tự hào “Trong chừng ấy năm, trường luôn đảm bảo 100% học sinh ra lớp”, là một trong những lá cờ đầu trong ngành giáo dục huyện ở nội dung này. Thầy Nguyễn Văn Hải chia sẻ thêm, vấn đề đảm bảo học sinh ra lớp đầy đủ đặc biệt quan trọng. Bởi đó là cơ sở chứng tỏ chất lượng giáo dục. Đồng thời là then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi nỗ lực của ngành, của nhà trường, của thầy cô sẽ là vô nghĩa nếu học sinh không ra lớp. Cũng bởi lý do này, mà suốt những năm qua, đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường đã đoàn kết một lòng, tập trung thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò đội ngũ giáo viên người DTTS, tổ chức nhiều sân chơi thu hút học sinh, xã hội hoá các hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, người có uy tín…là những giải pháp được thực hiện để 100% học sinh Đinh Trang Thượng đi học. Với những nỗ lực đó, thầy cô giáo nơi này đã nhen nhóm trong con trẻ tình yêu con chữ, để rồi tình trạng học sinh nghỉ học khi hết lớp 9 đã giảm dần. Hàng năm có 90 – 92% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã tiếp tục theo học THPT, một số học sinh khác đã lựa chọn tiếp tục học ở các trường dạy nghề. 
 
Trên cơ sở học sinh ra lớp đầy đủ, thầy cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng đã từng bước nâng cao chất lượng đại trà, góp phần đưa tỉ lệ học sinh đủ tiêu chuẩn lên lớp cao. Bên cạnh đó trường cũng đã tập trung đầu tư chất lượng mũi nhọn thông qua chất lượng đào tạo Tiếng Anh, khoa học kỹ thuật, Hội khoẻ Phù Đổng, học sinh giỏi…Thâỳ hiệu trưởng phấn khởi khoe rằng: Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng đã nhiều lần được xướng tên ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải cao tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Số học sinh của trường giành giải tại Hội khoẻ Phù đổng cấp huyện thì nhiều không đếm xuể, các em còn là hạt nhân được ngành giáo dục huyện chọn để tham gia sân chơi cấp tỉnh. Và dù thi kiến thức hay thi hội thao, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng đã không còn rụt rè như trước, các em đã hoàn toàn tự tin và chứng tỏ được sức mình.
 
Không chỉ Tiểu học Tân Thượng 1, Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Trang Thượng mà tất thảy 78 ngôi trường trên mảnh đất Di Linh đều đang cố gắng mỗi ngày để tiếp tục viết nên hành trình vẻ vang của ngành giáo dục. Đó là cơ sở để ông Nguyễn Phước Bảo Cường – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh, người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này khẳng định rằng: ngành Giáo dục huyện Di Linh đã nỗ lực phấn đấu đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương như công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục trong khu vực đồng bào dân tộc, vùng kinh tế mới, phối hợp thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương…Chất lượng giáo dục ngày một nâng lên vững chắc và trở thành một trong những đơn vị lá cờ đầu các đơn vị cấp huyện của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.
 
Từng nhiều lần đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh, nhận Cờ thi đua của Chính Phủ và hiện nay là Huân chương Lao động hạng Nhì là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục Di Linh. Đó cũng chính là động lực để những người thầy giáo, cô giáo tiếp tục miệt mài cống hiến, bởi với họ, thành quả ngọt ngào nhất là tình yêu thương và sự lớn khôn của con trẻ trên mảnh đất này. 
 
NGỌC NGÀ