(LĐ online) - Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rộng, đất đai màu mỡ và được thừa hưởng một chế độ khí hậu thủy văn khá ưu đãi, phù hợp cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng cũng lại thường xuyên phải gánh chịu thiên tai có nguồn gốc từ khí hậu thủy văn. Trong những năm qua, thiên tai lũ lụt, hạn hán đã xảy ra liên tiếp với mức độ ngày một ác liệt. Mặc dù chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư lớn cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, nhưng tổn thất về tính mạng, tài sản vẫn rất lớn.
|
Mưa lớn gây ngập úng tại suối Cam Ly (Đà Lạt) tháng 8 năm 2019 |
PHỤC VỤ THIẾT THỰC CHO CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
Phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra là một lĩnh vực đòi hỏi sự huy động tối đa sức người, sức của. Hiệu quả của nó phụ thuộc nhiều vào khả năng ứng phó trước tình huống, bao gồm cảnh báo, dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV); chỉ đạo, triển khai, nắm thực lực, điều hành cả guồng máy một cách đồng bộ. Cảnh báo, dự báo tình hình KTTV giúp chính quyền và Nhân dân biết trước được biến cố thiên tai là thuộc trách nhiệm của những người làm công tác KTTV. Mục tiêu phấn đấu của các dự báo viên KTTV là xây dựng được các phương pháp, các công cụ dự báo mô tả tương đối chính xác những hiện tượng thời tiết sẽ xảy ra càng sớm càng tốt: trước một ngày, một tuần, một tháng, một mùa hoặc dài hơn nữa.
Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đài KTTV khu vực Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng mà các trang thiết bị sử dụng cho công tác chuyên môn tại Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, cùng với sự tăng dầy hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh (hiện tại có 04 trạm khí tượng bề mặt, 03 trạm thủy văn và hơn 100 trạm đo mưa tự động) đã góp phần nâng cao năng lực và chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ thiết thực cho công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
|
Trạm đo mưa tự động tại xã Đạ Long huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng |
Có thể thấy rằng chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV của Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng ngày được nâng cao thì ngoài năng lực của các Dự báo viên ra thì không thể không kể đến sự góp phần của cán bộ, viên chức ở cơ sở trạm. Với tinh thần yêu ngành, yêu nghề không ngại khó khăn gian khổ, gần 30 cán bộ ngành KTTV trong tỉnh Lâm Đồng đã luôn hoàn thành tốt công việc đo đạc, thu thập số liệu giúp cho các Dự báo viên có thông tin tư liệu để ra các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ kịp thời, và có hiệu quả cao cho công tác PCTT&TKCN ở địa phương.
Trong những năm gầy đây Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin: mạng internet tốc độ cao (ADSL), mạng thông tin chuyên ngành để khai thác và trao đổi số liệu, thông tin dự báo, cảnh báo từ Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, từ Đài KTTV khu vực Tây Nguyên và các Đài KTTV của các Tỉnh lân cận.
Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thiện các phương pháp dự báo, cảnh báo KTTV; xây dựng phương án dự báo lũ cho các sông chính trong tỉnh; chuẩn hóa 01 mô hình dự báo hạn vừa, hạn dài; ứng dụng, cải tiến thành công phần mềm thu thập và giải mã số liệu KTTV phục vụ dự báo; tiến hành điều tra, đánh giá sơ bộ tình hình cạn kiệt trong mùa khô của các lưu vực sông suối trong tỉnh.
Có thể nói rằng với sự nỗ lực trong tác nghiệp thường xuyên của Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng trong thời gian gần đây được thể hiện qua việc theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn trong tỉnh và khu vực; thu thập đầy đủ số liệu, phân tích tính toán và ra các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa lớn, lũ lụt, dông, lốc xoáy, mưa đá…. được phát trên Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh với những nội dung thiết thực, dễ hiểu phù hợp với khả năng tiếp nhận của đại bộ phận Nhân dân.
NHỮNG NÚT THẮT…
Tuy nhiên, công tác dự báo và phục vụ KTTV cũng còn tồn tại những bất cập. Sản phẩm dự báo KTTV mới chỉ được một số cơ quan như Nông nghiệp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN sử dụng chi tiết, còn đại bộ phận là vẫn phổ biến chung chung, chưa cụ thể hoá đến từng ngành, từng lĩnh vực của đời sống sản xuất.
Sự phối kết hợp giữa cơ quan làm bản tin dự báo KTTV và cơ quan sử dụng bản tin cũng chưa thực sự chặt chẽ; chưa có những cách thức ứng dụng thông tin KTTV vào thực tế đời sống sản xuất một cách hiệu quả.
Mạng lưới các trạm KTTV và trạm đo mưa còn thưa chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về dữ liệu thông tin để có đủ cơ sở ra các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV theo đúng Quyết định số 18/QĐ-TTg, ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định số 221/QĐ-TCKTTV, ngày 30/6/2021; Quyết định số 309/QĐ-TCKTTV, ngày 30/9/2021 của Tổng cục KTTV.
NÂNG CAO NĂNG LỰC DỰ BÁO VÀ CẢNH BÁO KTTV TẠI LÂM ĐỒNG
Ứng phó với thiên tai phức tạp, dị thường năm 2022 và những năm tiếp theo; Đồng thời để nâng cao chất lượng dự báo sớm một cách hiệu quả, giúp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng xác định các biện pháp cần thực hiện đồng bộ: Tiếp tục thực hiện cụ thể hóa bản tin dự báo, cảnh báo KTTV nguy hiểm đến từng địa phương trong tỉnh; Tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan dự báo, cảnh báo KTTV tỉnh và cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương, đặc biệt là việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa hai bên. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Đầu tư kinh phí đặt thêm các điểm đo mực nước tại khu vực hạ lưu thủy điện Đa Nhim và khu vực hạ lưu thủy điện Đồng Nai 5 để Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng khai thác số liệu phục vụ cho công tác dự báo ngập lụt tại hai khu vực trên. Cụ thể, đầu tư hỗ trợ kinh phí xây dựng 02 trạm Khí tượng chuyên dụng tại huyện Đam Rông và huyện Di Linh để có được thêm dữ liệu Khí tượng phục vụ tốt hơn nữa trong công tác PCTT & TKCN trên địa bàn tỉnh; Đầu tư hỗ trợ kinh phí cho Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng xây dựng và duy trì hoạt động của trang Web KTTV tỉnh Lâm Đồng, nhằm truyền tải thường xuyên các thông tin về KTTV và các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV đến mọi người dân trong toàn tỉnh Lâm Đồng.
Có thể nói rằng công tác dự báo, cảnh báo KTTV của Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, bên cạnh đó cũng còn tồn tại những bất cập như: Sản phẩm dự báo KTTV mới chỉ được một số cơ quan sử dụng; Sự phối kết hợp giữa đơn vị cung cấp thong tin và đơn vị sử dụng thông tin KTTV cũng chưa thực sự chặt chẽ; chưa có những cách thức ứng dụng thông tin KTTV vào thực tế đời sống sản xuất một cách hiệu quả.
Để công tác dự báo, cảnh báo KTTV của Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng phục vụ tốt hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân trong tỉnh thì bên cạnh sự đầu tư về vật chất, sự cố gắng của những người làm công tác KTTV cũng cần có các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV phải được được truyền tải một cách nhanh nhất tới các địa phương để kịp thời chỉ đạo và ứng phó thiên tai hiệu quả nhất.
|
Thạc sĩ: TRẦN XUÂN HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin