Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền điện tử

05:04, 27/04/2022
Nhiều mục tiêu cụ thể đã được UBND tỉnh đặt ra trong năm 2022 nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử trong tỉnh hiện nay. 
 
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại dịch vụ Bưu chính công ích - Bưu điện Lâm Hà
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại dịch vụ Bưu chính công ích - Bưu điện Lâm Hà
 
•  NHỮNG MỤC TIÊU
 
Căn cứ vào Kế hoạch Cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 đã được UBND tỉnh ban hành, nhiều mục tiêu đã được tỉnh đưa ra nhằm thúc đẩy việc xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh trong năm nay và những năm đến.
 
Cụ thể, trong năm 2022 này, UBND tỉnh yêu cầu toàn bộ 100% các cơ quan, đơn vị các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh phải kết nối, sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ sự chỉ đạo điều hành thông suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ Trung ương đến cấp xã. 100% thủ tục hành chính (TTHC), danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được chuẩn hóa, công bố kịp thời và công khai đầy đủ, đúng quy định tại bảng niêm yết công khai, trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các hình thức phù hợp khác cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu thực hiện và giám sát.
 
Nhiều con số cũng được tỉnh nêu ra để phấn đấu, như 100% các cơ quan Nhà nước sử dụng hiệu quả phần mềm trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước với nhau dưới dạng điện tử và gửi thông qua trục liên thông văn bản điện tử của tỉnh; trên 80% các cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện thực hiện thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến; toàn bộ 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
 
Trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh đặt ra mục tiêu việc số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 60%, 40%, 30%.
 
Tỉnh cũng yêu cầu toàn bộ cơ quan Nhà nước cấp tỉnh tham gia dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% cán bộ, công chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
 
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
 
Để xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. 
 
Trong năm nay, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các nội dung như triển khai số hóa kết quả giải quyết TTHC từ giấy sang điện tử; kết nối mạng toàn cầu (Internet) băng thông rộng; kết nối mạng truyền dẫn tốc độ cao; duy trì hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin số cho hệ thống mạng của các cơ quan Nhà nước; triển khai sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định. Đồng thời, thường xuyên cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử phù hợp với tình hình ứng dụng CNTT tại tỉnh và phiên bản kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; triển khai Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng phiên bản 2.0. Cần đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật CNTT và an ninh an toàn thông tin; duy trì, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành đáp ứng việc kết nối liên thông 4 cấp theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ; duy trì kết nối liên thông văn bản điện tử tỉnh Lâm Đồng đến các cơ quan khối Đảng, khối chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã.
 
Việc nâng cấp, hoàn thiện, duy trì các hệ thống ứng dụng CNTT trong công tác nội bộ cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn; mở rộng kết nối bao gồm hệ thống thư điện tử, họp trực tuyến, quản lý cán bộ công chức, tài chính - kế toán; cập nhật đầy đủ các thông tin trên trang điện tử của các cơ quan Nhà nước theo quy định; duy trì vận hành hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đánh giá chỉ số ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, phấn đấu duy trì thứ hạng cao về chỉ số Chuyển đổi số của tỉnh.
 
UBND tỉnh cho biết, trong năm nay, tiếp tục phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ của địa phương và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài; hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và các hệ thống thông tin; bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin của địa phương.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường vận động, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích.
 
 Lâm Đồng cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin theo nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin, tránh đầu tư trùng lặp; duy trì, đầu tư nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thông tin trên không gian mạng đồng thời, chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số, nền tảng số nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin.
 
VIẾT TRỌNG