Thúc đẩy phụ nữ nông thôn khởi nghiệp

06:04, 26/04/2022
Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế. Thông qua đó khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của hội viên phụ nữ, mạnh dạn có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh sáng tạo để khởi nghiệp, nhất là các đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, phụ nữ DTTS.
 
Ngày càng nhiều ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ ở nông thôn đạt giải cao
Ngày càng nhiều ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ ở nông thôn đạt giải cao
 
•  LAN TỎA SÂU RỘNG
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, những năm gần đây, nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường” được các cấp hội đã bám sát, chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở nhất là các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, đã góp phần hỗ trợ hiệu quả, hữu ích cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Từ việc lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với khả năng và phát huy lợi thế ngay tại quê hương mình, hoàn thiện xây dựng kế hoạch kinh doanh, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, từng bước thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. 
 
Từ đó, các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết vẫn được hội duy trì và hoạt động hiệu quả, ý thức của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường gắn với sản xuất, chăn nuôi sạch được nâng lên. Bằng những hoạt động, việc làm thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn là địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng chị em hội viên phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, vươn lên làm giàu và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội...
 
Qua 4 năm triển khai hoạt động của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, đã có gần 300 ý tưởng tham gia ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh. Nhiều ý tưởng được Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, Câu lạc bộ nữ Doanh nhân tỉnh Lâm Đồng và Hội LHPN tỉnh, Sở Công thương hỗ trợ 1,360 triệu đồng tiền vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, các ý tưởng đạt giải cao từ chị em phụ nữ ở các địa phương không có nhiều lợi thế như Đam Rông, Đơn Dương, Cát Tiên...
 
“Điều này chứng tỏ các cấp hội đã quan tâm đến phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và phụ nữ DTTS về hướng dẫn thành lập trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết... Trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và khởi nghiệp; Phối hợp tập huấn nâng cao trình độ, trang bị các kỹ năng cần thiết, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới cho hội viên phụ nữ”, bà Thảo cho biết thêm.
 
HỖ TRỢ THIẾT THỰC
 
Theo bà Thảo, việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở một số đơn vị cấp huyện và cơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế như mới dừng lại ở khâu tập huấn, tư vấn cho các ý tưởng khởi nghiệp, chưa tổ chức được ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện, công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các ý tưởng tiếp cận với các nguồn vốn còn ít. 
 
Để khắc phục khó khăn, Hội LHPN tỉnh sẽ tìm kiếm nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp; thành lập hội đồng thẩm định các ý tưởng, tổ chức tập huấn hướng dẫn hội viên phụ nữ xây dựng đề án/ý tưởng, cung cấp cho các chị kiến thức về khởi nghiệp; lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá về nguồn lực, thực trạng, cơ hội và rủi ro trong kinh doanh; hướng dẫn cách trình bày ý tưởng; phối hợp với ngành Công thương tổ chức hoạt động hỗ trợ các hộ kinh doanh kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng bằng hình thức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trao đổi thông tin mua bán hàng online, hỗ trợ vay vốn bằng nguồn lực do chính chị em phụ nữ đóng góp. 
 
Vừa qua, Sở Khoa học - Công nghệ đã phối hợp với Hội LHPN khảo sát các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nội dung trong triển khai thực hiện “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.
 
Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, qua khảo sát ở các huyện, thành phố cho thấy đa phần các ý tưởng, dự án của phụ nữ đã có những sáng tạo, dấu ấn nhất định. Đặc biệt là đã có sản phẩm tốt, mang tính đặc trưng và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Về cơ bản thì một số các dự án đang gặp khó khăn về các khâu tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại để sản phẩm ra thị trường ổn định hơn, thiếu vốn để tái đầu tư...
 
“Sở đã có văn bản gửi các quỹ để đề nghị các nội dung hỗ trợ về vốn cũng như đang phân loại, lồng ghép các chương trình sở hữu trí tuệ và làm việc với các chuyên gia để có thể tư vấn cho các dự án, doanh nghiệp tổ chức sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường như ISO 9.000 hay ISO 22.000 cho thực phẩm. Đồng thời, có thể tinh gọn bộ máy sản xuất, giảm lãng phí nhân công và nguyên liệu, nâng cao năng suất, giá thành sản phẩm”, bà Nhâm cho biết thêm.
 
HỒNG THẮM