Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế

06:04, 28/04/2022
(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. 
 
Đẩy mạnh hoàn thành thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covdi-19 cho các đối tượng
Đẩy mạnh hoàn thành thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covdi-19 cho các đối tượng
 
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP và Kế hoạch số 2635/KH-UBND ngày 19/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về chương trình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương đã nhận định tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%; tỷ lệ chết/mắc giảm từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% (thấp nhất kể từ tháng 8/2021). 
 
Do kiểm soát được Covid-19 nên cả nước đã đẩy mạnh hơn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; quyết định mở cửa du lịch kịp thời; yêu cầu mở cửa trường học phù hợp với tình hình dịch bệnh.
 
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: Tinh thần chung là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì tình hình còn diễn biến phức tạp; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin nhất là cho trẻ em.
 
Một số nhiệm vụ cụ thể: Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tập trung quản lý rủi ro nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, trẻ em. Rà soát, khắc phục yếu kém y tế dự phòng, y tế cơ sở để có năng lực ứng phó khi tình hình phức tạp xảy ra. 
 
Các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thực hiện chương trình; chuẩn bị nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm... để ứng phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh, nhất là các phương án cụ thể; sẵn sàng kịch bản đáp ứng cho mọi tình huống, kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn. 
 
Vắc xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định trong phòng chống dịch Covid-19, nhưng vắc xin có hiệu quả bảo vệ suy giảm theo thời gian. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh hoàn thành thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các đối tượng phải tiêm: Hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người cần tiêm trong Quý II/2022. Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm, nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, công nhân trong các khu công nghiệp, người lao động ở khu đông người. 
 
Quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong việc cung ứng, nhập khẩu và tiêm vắc xin cho trẻ em: Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi trong tháng 4/2022. Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong Quý II/2022 cho các đối tượng cần tiêm để các cháu đến trường an toàn trong các tháng học hè và bắt đầu năm học mới an toàn vào tháng 9 năm 2022. Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, triển khai nhanh hơn nữa việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để đạt mục tiêu đề ra. 
 
Bộ Y tế đảm bảo đủ vắc xin; các địa phương đảm bảo tổ chức tiêm chủng khoa học, an toàn, hiệu quả, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; các ban chỉ đạo, chính quyền địa phương các cấp tập trung vận động, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đạt được mục tiêu đề ra. Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng trong chỉ định tiêm, nhất là các đối tượng rủi ro cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người lao động tại các khu công nghiệp, đô thị lớn… 
 
Đẩy mạnh việc chủ động sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh, kít xét nghiệm với việc đơn giản thủ tục hành chính đến mức tối đa nhất có thể, nhưng phải bảo đảm đúng quy định hiện hành, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA. 
 
Các ban chỉ đạo, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. 
 
Công tác tuyên truyền: Cần xây dựng các nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc điều trị tại nhà, mở các cuộc tọa đàm; tập trung tuyên truyền cho việc tiêm vắc xin trẻ em; kỹ năng tự chữa trị, tự phòng chống dịch Covid-19. 
 
Tiếp tục rà soát các quy định, quy chế về phòng chống dịch; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin phải kịp thời, chính xác. 
 
Công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
 
UBND các cấp tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phục hồi nhanh và phát triển phải bền vững; thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an toàn, hiệu quả; hướng dẫn thực hiện các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
 
AN NHIÊN