Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền cải cách hành chính

01:04, 25/04/2022
UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC) hiện nay, trong đó, chú ý đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền. 
 
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đức Trọng
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đức Trọng
 
Việc thúc đẩy tuyên truyền CCHC nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp; của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác CCHC Nhà nước nói chung và công tác CCHC của tỉnh Lâm Đồng nói riêng; tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc, ý thức rõ trách nhiệm phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của đội ngũ CBCCVC các cấp trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng đó, việc đẩy mạnh truyền thông về CCHC cũng góp phần không nhỏ tăng cường sự hiểu biết và tiếp cận thông tin của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC); thúc đẩy người dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực góp ý, tham gia hoàn thiện TTHC; giám sát các cơ quan hành chính Nhà nước cùng đội ngũ CBCCVC trong quá trình thực thi công vụ.
 
•  NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
 
Với CBCCVC, trong năm 2022 này, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác CCHC và những kết quả nổi bật trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Trong tuyên truyền cần xác định tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CCHC đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc triển khai nhiệm vụ CCHC.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu cần lồng ghép kết quả xếp hạng các chỉ số của tỉnh như Chỉ số CCHC (PAR INDEX); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)..., từ đó xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện; đồng thời, có hình thức phổ biến rộng rãi để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu và đánh giá một cách khách quan những nội dung tỉnh đã thực hiện tốt. 
 
Các ngành, các cấp cũng cần thường xuyên phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức của CBCCVC trong thực thi công vụ, gắn với kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân, tổ chức; quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp, tác phong, thái độ phục vụ Nhân dân; gắn việc triển khai thực hiện công tác CCHC với công tác thi đua - khen thưởng hàng năm.
 
Cần chú ý biểu dương các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các mô hình, giải pháp, sáng kiến trong thực hiện CCHC cũng như phản ánh những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và trong thực thi công vụ của CBCC,VC.
 
Về hình thức tuyên truyền đối với CBCCVC, có thể triển khai qua các hội nghị, tập huấn, tọa đàm, hội thảo, phát hành các tài liệu tuyên truyền về CCHC hàng năm; lồng ghép nội dung CCHC vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC các cấp; thông qua các lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng các chức danh công chức cấp xã, tuyển dụng công chức, cuộc thi tìm hiểu về CCHC. 
 
Tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần chú ý đưa tin về CCHC trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin của các cơ quan, đơn vị; trên hệ thống thông tin cơ sở. Các hình thức tuyên truyền cần lựa chọn phù hợp với từng đơn vị, địa phương nhất là trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19...
 
HƯỚNG ĐẾN PHỤC VỤ DÂN
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu cần tiếp tục tuyên truyền những nội dung, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức; cần công khai Bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được UBND tỉnh công bố.
 
Các ngành, các cấp cũng cần tiếp tục khuyến khích người dân, tổ chức doanh nghiệp thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình nhằm góp phần hạn chế việc ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số cần chú ý ứng dụng công nghệ thông tin vào Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị mình, qua hệ thống một cửa hiện đại, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong thanh toán phí lệ phí, thực hiện nghĩa vụ tài chính khi giải quyết TTHC, đăng ký sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; tra cứu thông tin hồ sơ bằng tin nhắn SMS hay sử dụng chức năng quyét mã QR trên thẻ căn cước công dân để kiểm tra thông tin công dân trong quá trình thực hiện các TTHC… Đồng thời, cần chú ý rà soát thông tin và trả lời các phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức qua hộp thư góp ý hay qua số điện thoại “đường dây nóng” về CCHC trên hệ thống tiếp nhận của đơn vị. 
 
Bên cạnh đó, cần niêm yết công khai, rõ ràng các quy trình giải quyết TTHC tại trụ sở làm việc và trên trang thông tin điện tử đúng quy định, thuận tiện trong việc tra cứu; nội dung các TTHC được công khai đầy đủ và đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành; thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC...
 
Đặc biệt, các ngành, các cấp cần chú ý đổi mới, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, có thể lồng ghép đăng tải thông tin CCHC trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo... để thông tin đến với người dân rộng rãi hơn.
 
VIẾT TRỌNG