Chủ động đẩy mạnh công tác xây dựng “Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích”, thời gian qua, Trường Mầm non Đưng K’Nớ (xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương) đang nỗ lực triển khai các biện pháp thích hợp, đảm bảo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các học sinh trên địa bàn.
|
Một buổi bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về phòng tránh và xử lý các tai nạn thường gặp ở trẻ |
Năm học 2021- 2022, Trường Mầm non Đưng K’Nớ có 243 học sinh của 9 nhóm lớp với hơn 90% em là người đồng bào DTTS. Công tác tại trường có 28 cán bộ giáo viên - nhân viên (CBGV NV). Trường có 3 điểm nằm riêng lẻ: điểm Lán Tranh (thôn Lán Tranh), điểm Đưng Trang (thôn Đưng Trang) và điểm Trường chính (Thôn 2).
• NHỮNG NỖI LO BAN ĐẦU
Cô Nguyễn Thị Nông, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đưng K’Nớ cho biết: “Trường đóng chân ở xã vùng sâu, vùng xa nên đời sống của các em nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với học sinh ở đây, nắng hay mưa đều ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các con. Vào mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt nên “hành trình” đến lớp của các em đầy nguy hiểm. Vì vậy, nhà trường đã cử các CBGV NV được bố trí thay phiên nhau đến tận nhà trấn an tâm lý phụ huynh, rồi trực tiếp đưa các em đến trường an toàn”.
Trường Mầm non Đưng K’Nớ là 1 trong 7 trường mầm non của huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích”.
|
Song song với những nỗi lo tai nạn trong quá trình đưa đón học sinh, là những nguy cơ thương tích tiềm ẩn ngay trong lớp học, vào những giờ ra chơi ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của trẻ. Cô Cil Múp GLiêm, Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Đưng K’Nớ chia sẻ: “Các bé còn quen tập quán gia đình như leo trèo cây, theo bố mẹ đi ra vườn, lên nương nắng, mưa không đội mũ, lội mương nước, ăn uống chưa vệ sinh, tụ tập chơi ngoài đường, không nhận thức được sự nguy hiểm khi chơi với các vật sắc, nhọn”.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa coi trọng việc phòng, ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em dẫn đến những tai nạn không đáng có. Ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích (PC TNTT) cho trẻ em, đặc biệt là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Đưng K’Nớ chia sẻ: “Chính những lý do trên, mà trong những năm học gần đây, trường đã xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai đến đội ngũ CBGV NV về các biện pháp PC TNTT”.
•
NÂNG CAO KỸ NĂNG CHO HỌC SINH
Để làm tốt các biện pháp PC TNTT cho học sinh, trong các giờ học, các giáo viên đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung giáo dục PC TNTT có sáng tạo qua các đoạn phim với nhân vật hoạt hình dễ thương để thu hút sự chú ý, sự tiếp thu của các em nhanh hơn mà không gây nhàm chán. Trong giờ ra chơi, khi chơi đu quay, xích đu, cầu trượt thường có nguy cơ xảy ra tai nạn cho trẻ nên các giáo viên được bố trí chơi cùng để theo dõi, giám sát. Những ngày mưa, khu vực sân trường có đọng nước, xuất hiện nhiều rêu trơn, nhà trường lập tức phân công các CBGV NV vệ sinh, quét dọn thường xuyên để bảo đảm trẻ không gặp tai nạn.
Bên cạnh đó, tại bếp ăn bán trú cũng được Ban Giám hiệu thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm về tiêu chuẩn chất lượng, định lượng. Ở phòng y tế nhà trường được trang bị đầy đủ các dụng cụ y tế, thuốc cấp cứu,... theo đúng quy định.
Ngoài ra, nhà trường cũng luôn có kế hoạch thay thế đồ dùng, thiết bị không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường xem kiến thức của giáo viên là yêu cầu quan trọng nhất. Chính vì vậy, trong những buổi tập huấn bồi dưỡng cho đội viên xung kích Chữ thập đỏ của trường các em học sinh và đặc biệt là CBGV NV kiến thức cơ bản về các yếu tố, nguy cơ và cách PC TNTT; hướng dẫn sơ cấp cứu một số TNTT thường gặp được nhà trường tổ chức thường xuyên.
Đồng thời, trường cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền qua các buổi họp phụ huynh. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với chính quyền, gia đình, các cơ quan thông tin, truyền thông nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong việc tuyên truyền giáo dục học sinh kỹ năng PC TNTT, xây dựng trường học an toàn, thân thiện.
“Áp dụng các hình thức sáng tạo, kết hợp với các giải pháp đồng bộ mà các em học sinh từ không để ý, không hiểu đã bắt đầu có ý thức hình thành các thói quen tốt trong việc PC TNTT. Ví dụ như khi các em thấy các đồ vật sắc nhọn sẽ không vô tư cầm lên nghịch ngợm, khi thấy dây điện sẽ không tò mò chọc phá nữa... Đây là một thành quả vô cùng đáng quý từ tất cả sự nỗ lực của đội ngũ CBGV NV” - cô Nông cho hay.
Chị Bon Niêng K’Nhiên, Đại diện Ban Phụ huynh Trường Mầm non Đưng K’Nớ chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các giáo viên trong thực hiện các biện pháp PC TNTT, cùng với phương pháp giáo dục mềm mại của nhà trường mà phụ huynh chúng tôi vô cùng yên tâm, hài lòng và tin tưởng khi cho con em mình theo học tại trường”.
“Năm học 2020-2021 của Trường Mầm non Đưng K’Nớ không có trường hợp nào xảy ra TNTT. Để duy trì kết quả này, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tích cực, chủ động triển khai có kế hoạch các hoạt động xây dựng “Trường học an toàn, PC TNTT”, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong nhà trường”, cô Nông thông tin thêm.
HƯƠNG LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin