(LĐ online) - Chiều 17/5, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Bảo Lộc phối hợp cùng Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn kỹ năng hòa giải và một số nội dung cốt lõi về khiếu nại, tố cáo cho công chức tư pháp và hòa giải viên tại 11/11 phường, xã.
|
Công chức tư pháp và người làm công tác hòa giải ở cơ sở tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng |
Lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 200 người là công chức tư pháp tại 11/11 xã, phường và các tổ trưởng, thành viên đại diện cho 164 tổ hòa giải trên địa bàn TP Bảo Lộc.
Tại buổi tập huấn, bà Trần Thị Mỹ Linh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã khai quát về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở là điều kiện quan trọng để các bên đạt thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã truyền đạt những nội dung đến các thành viên tham gia tập huấn, như: Tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Luật Hòa giải và các văn bản về công tác hòa giải ở cơ sở; kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo phương châm “tôn trọng sự thật”; những nội dung quan trọng liên quan đến khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hôn nhân gia đình và các quy định xử phạt vi phạm hành chính...
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Phan Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho hay: Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trong đó, hòa giải viên là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, không hướng tới mục tiêu lợi nhuận góp phần hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ và tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau.
Khi công tác hòa giải ở cơ sở tạo sự đồng thuận của các bên sẽ không cần đến sự can thiệp của Nhà nước đối với những công việc mà họ có thể tự làm được. Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp; đồng thời, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Lớp tập huấn sẽ góp phần trang bị cho công chức tư pháp và người làm công tác hòa giải những kỹ năng chuyên sâu về hòa giải ở cơ sở và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống có liên quan đến khiếu nại, tố cáo thường gặp. Thông qua đó, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thực hiện tốt chức năng hòa giải, giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
KHÁNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin