Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Hiện, cấp ủy, chính quyền xã Đạ Tông đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích NTM vào năm 2022.
|
Bức tranh nông thôn xã Đạ Tông hiện nay đã có nhiều gam màu tươi sáng với hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm không ngừng được xây dựng và củng cố. |
Đạ Tông là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đam Rông. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 14.539,75 ha, dân số xã có 1.967 hộ với 9.455 nhân khẩu. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn khi đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 92% dân số toàn xã. Nền kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước, tuy nhiên, trình độ canh tác còn lạc hậu...
Xác định rõ mục tiêu xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy và chính quyền, những năm qua, Đảng bộ xã Đạ Tông đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề liên quan đến phát triển nông, lâm nghiệp, cải thiện đời sống của người dân như: Nghị quyết về tuyên truyền xóa bỏ tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghị quyết tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; Chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, UBND xã Đạ Tông đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã thành kế hoạch cụ thể, đưa nội dung xây dựng NTM vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Đồng thời, xem đây là nội dung quan trọng xuyên suốt, có tính chất lâu dài và thực hiện dần, dựa trên chủ thể là người dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cho biết: Với đặc thù là xã chuyên sản xuất về nông nghiệp mà chủ yếu là cây cà phê, lúa và hoa màu;nên công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân được xã Đạ Tông quan tâm thực hiện, thông qua việc tăng cường chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay bằng các giống cà phê cao sản, bò lai sind, các loại cây ăn quả có năng suất và phù hợp với tính chất đất trên địa bàn xã. Đồng thời, thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng dâu nuôi tằm, trồng rau, trồng bưởi da xanh... qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Để có đầu ra cho các sản phẩm, xã đã kêu gọi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp xây dựng chợ nông thôn. Đồng thời, khôi phục và phát triển các ngành nghề nông thôn như rượu cần, đan lát, thổ cẩm, các loại trà rừng. Tăng cường mở các lớp học nghề do các trung tâm dạy nghề đào tạo như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê; kỹ thuật chăn nuôi bò cỏ; kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cây dâu nuôi tằm...
Qua đó, bức tranh nông thôn xã Đạ Tông hiện nay đã có nhiều gam màu tươi sáng. Hoạt động kinh tế nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh tăng năng suất; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm không ngừng được xây dựng và củng cố; về cơ bản xã Đạ Tông đã xóa nhà tạm cho hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân; các giá trị văn hóa thôn, xóm được bảo tồn; quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, qua đánh giá, đến nay, xã Đạ Tông hiện đã đạt 17/19 tiêu chí, đạt 89,47% về xây dựng NTM theo quy định. Các tiêu chí chưa đạt còn lại là thu nhập và hộ nghèo. Tuy nhiên, đây lại là hai tiêu chí khó thực hiện nhất. Bởi theo Quyết định 1980 của Chính phủ áp dụng thu nhập mức vùng Tây Nguyên là 41 triệu đồng/người/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của xã chỉ mới đạt 31 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, hiện, toàn xã cũng đang còn 201 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 12,8% tổng số hộ. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, xã Đạ Tông cũng rất cần sự trợ lực rất lớn từ Ban Chỉ đạo NTM huyện Đam Rông trong việc có chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư giúp xã xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nhanh hộ nghèo; có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để làm đầu kéo giúp nông dân trong việc xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Trong thời gian đến, xã Đạ Tông sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch hình thành các cánh đồng mẫu nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất lúa; đưa vào thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hỗ trợ vốn cho Nhân dân đầu tư sản xuất kinh doanh; vận dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để tập trung ưu tiên thực hiện đầu tư vào mô hình phát triển sản xuất cho 201 hộ nghèo, cụ thể là các mô hình trồng dâu nuôi tằm (24,8 ha); thâm canh cây cà phê (200 ha); chăn nuôi bò (21 ha); mô hình trồng bưởi da xanh...
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin