Đam Rông nỗ lực xây dựng nông thôn mới

06:05, 05/05/2022
Xây dựng Đam Rông đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương này tập trung thực hiện. 
 
Nâng cao đời sống Nhân dân là mục tiêu trung tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Đam Rông
Nâng cao đời sống Nhân dân là mục tiêu trung tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Đam Rông
 
Đam Rông hiện có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 50%, gồm các xã: Đạ R’Sal, Rô Men, Phi Liêng và Đạ K’Nàng, trong đó, xã Đạ R’Sal đạt nông thôn mới nâng cao năm 2020); kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp; kinh tế - xã hội có bước phát triển khá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu cho hiệu quả, thiết thực, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất hiệu quả đang được nhân rộng, hình thành các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị và sản phẩm (OCOP), hiện nay, đã có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận. Thiết chế văn hóa, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. 
 
Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều vướng mắc mà Đam Rông chưa giải quyết được. Đơn cử như, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao hơn bình quân chung của tỉnh; đời sống, thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp. Việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản còn thấp; hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã chưa cao. Vấn đề dân di cư tư dọ chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn. 
 
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, Đam Rông đã ban hành nghị quyết về việc xây dựng nông thôn mới nhằm xác định những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. 
 
Theo đó, huyện Đam Rông xác định mục tiêu chung:  Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phấn đấu thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, gắn phát triển nông thôn với đô thị, xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh, an toàn, giàu bản sắc văn hóa;... Trên cơ sở đó, các mục tiêu cụ thể cho từng năm từ nay đến 2025 về thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu cũng như nâng cao kinh tế nông thôn cũng đã được huyện Đam Rông xác định. Riêng đối với nhiệm vụ giảm nghèo huyện Đam Rông phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm (theo tiêu chí mới) từ 2 - 2,3%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
 
Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, lãnh đạo huyện Đam Rông đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về việc huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức, góp của thi công các công trình. Xác định rõ trách nhiệm, quyền, lợi ích của người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới; cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo công khai, dân chủ, có sự bàn bạc thống nhất và tạo điều kiện cho người dân tham gia kiểm tra, giám sát. Quan tâm phát triển diện tích sản xuất các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương, như (sầu riêng, chuối laba, mắc ca...) gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng sản xuất theo quy trình “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” (VietGAP, GLobalGAP) và các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm; tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; phát triển giáo dục, y tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống chính trị - xã hội;  bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội... 
 
Xây dựng NTM ở huyện còn nhiều khó khăn như Đam Rông là một quá trình lâu dài và không hề dễ dàng. Do đó, việc xây dựng nghị quyết với những định hướng cho cả giai đoạn là điều vô cùng cần thiết. Với sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, hành trình gian nan ấy sẽ cho về trái ngọt.
 
HOÀNG MY