Đồng hành với doanh nghiệp trong thu hút nguồn lao động

06:05, 02/05/2022
Do dịch bệnh COVID-19 thời gian qua diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 gia tăng, nguồn lao động trong nhiều doanh nghiệp thiếu hụt trầm trọng. Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền, công đoàn ở Lâm Đồng cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động.
 
Cán bộ công đoàn cùng lãnh đạo Chi nhánh Công ty Cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng thăm hỏi, động viên công nhân gắn bó với doanh nghiệp
Cán bộ công đoàn cùng lãnh đạo Chi nhánh Công ty Cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng thăm hỏi, động viên công nhân gắn bó với doanh nghiệp
 
•  NHIỀU CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỂ THU HÚT NGƯỜI LAO ĐỘNG
 
Tại Chi nhánh Công ty Cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng, đóng tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc chuyên sản xuất và kinh doanh đồ lót, hàng may mặc, để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng công ty này vẫn duy trì, ổn định sản xuất, đáp ứng tốt việc xuất khẩu trong thời gian qua. Công tác phòng, chống dịch, cũng như các chế độ của người lao động được thực hiện tốt, nên công nhân tại đây rất yên tâm làm việc.
 
Chị Đoàn Thị Ánh Nga, công nhân Chi nhánh Công ty Cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng cho biết, chị đã làm việc tại đây được 8 năm, mức lương hiện nay dao động từ 7 đến 10 triệu/tháng, các chế độ của người lao động luôn được đảm bảo… thu nhập cũng ổn định, đủ lo cuộc sống cho bản thân và gia đình nên chị sẽ gắn bó lâu dài với công việc may tại công ty này.
 
Còn anh Võ Duy Quy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Chi nhánh Công ty Cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng thì chia sẻ: “Công đoàn cơ sở trao đổi, phối hợp với lãnh đạo công ty triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo sức khỏe cho người lao động yên tâm sản xuất. Thiết kế, lắp đặt các vách ngăn tại nơi sản xuất, giờ nghỉ giữa ca và bữa ăn ca cũng được chia làm nhiều đợt để hạn chế tiếp xúc đông người… Cùng với đó, Công đoàn cơ sở còn thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp tăng các chế độ hỗ trợ và mua bảo hiểm “Vững tâm gắn kết” cho người lao động”.
 
Mặc dù thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ đối với người lao động, nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động với công suất cao, Chi nhánh Công ty cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng cũng không tránh khỏi việc thiếu hụt nguồn lao động. 
 
Các doanh nghiệp ở Lâm Đồng thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới
Các doanh nghiệp ở Lâm Đồng thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới
 
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần SCAVI tại Lâm Đồng cho biết, hiện tại, công ty này có trên 900 lao động đang làm việc, nhưng để đảm bảo sản xuất trong thời gian tới, công ty cần tuyển dụng thêm 600 lao động vào làm việc.
 
“Nhu cầu lao động của công ty chúng tôi rất lớn, nên chúng tôi triển khai nhiều hình thức để thu hút lao động, như tăng tiền thưởng, hỗ trợ 3 tháng đầu 1,5 triệu đồng, hỗ trợ tiền gửi trẻ cho công nhân có con nhỏ đến 72 tháng tuổi, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tiền xăng xe cho những lao động ở xa… với số tiền tối đa lên đến 3 triệu đồng/người/tháng” - bà Khánh chia sẻ.
 
•  CHÍNH QUYỀN, CÔNG ĐOÀN CÙNG VÀO CUỘC
 
Theo đánh giá của các ngành liên quan thì hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông đều thiếu hụt nhân công. Tại 2 khu công nghiệp của tỉnh là Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc và Khu Công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tình trạng thiếu hụt nhân công làm việc ở các doanh nghiệp tại đây cũng khá trầm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, 2 khu công nghiệp này có 48 doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 5.000 lao động, nhưng số lao động còn thiếu hụt khoảng trên 2.000 người. Để bù đắp số lao động này, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, các ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút lao động, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
 
Theo ông Lê Đình Ngọc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Bảo Lộc, để giúp các doanh nghiệp đảm bảo nguồn nhân lực duy trì và phát triển, mở rộng sản xuất, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công đoàn ở đây luôn đồng hành với lãnh đạo doanh nghiệp triển khai các giải pháp phù hợp như vận động người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc. Kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, phản ánh đến lãnh đạo doanh nghiệp để giải quyết hài hòa mối quan hệ về quyền và lợi ích. 
 
Các doanh nghiệp ở Lâm Đồng thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới
Các doanh nghiệp ở Lâm Đồng thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới
 
Cùng với đó, công đoàn tham gia với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, thời gian tăng ca của người lao động phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tuyển dụng thêm người lao động.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo các chính sách của Chính phủ và địa phương để giúp họ ổn định cuộc sống. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn lao động thì chúng tôi triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như, hội chợ việc làm, tư vấn việc làm và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến đến tận các địa bàn dân cư… nhằm thu hút nguồn lao động tại địa phương”.
 
Theo ông Hoàng Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh tế - xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và chăm lo tốt nhất đến đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động như đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa trong các khu công nghiệp… hỗ trợ nâng cao đời sống công nhân lao động, giúp họ yên tâm, gắn bó hơn với doanh nghiệp.
 
 Với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và công đoàn các cấp trong tỉnh, đã góp phần đẩy mạnh kết nối thông tin cung - cầu giữa người lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tuyển dụng, bố trí và sử dụng nguồn lao động hợp lý. Các chính sách của doanh nghiệp đãi ngộ người lao động, cùng với chính quyền và tổ chức Công đoàn chăm lo cho người lao động... Chắc chắn rằng, các doanh nghiệp ở Lâm Đồng sẽ sớm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới và xây dụng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nâng cao thu nhập cho công nhân lao động, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
 
ĐỨC THIỆM - QUANG HOẠT