Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

06:05, 04/05/2022
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn I (2015 - 2020) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân vùng DTTS trong việc thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
 
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực
 
Theo kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dân số tỉnh Lâm Đồng gần 1,3 triệu người; trong đó, đồng bào các DTTS chiếm 25,72%, riêng các dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 17%. 
 
Số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh gồm 10 huyện, 73 xã, 5 thị trấn, 44 thôn (theo tiêu chí có tỷ lệ hộ DTTS trong tổng số dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên, được quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025). Phần lớn DTTS cư trú đan xen với các dân tộc khác trên khắp các địa phương trong tỉnh, vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. 
 
Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, trên địa bàn Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng, một số DTTS có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%. Ban Dân tộc tỉnh cho hay, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của UBND các huyện, thành phố, giai đoạn 2015-2020 trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh có 717 người tảo hôn và 21 cặp hôn nhân cận huyết thống. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này như ảnh hưởng phong tục tập quán con cô lấy con cậu; những hủ tục như hứa hôn, thách cưới; nhận thức hạn chế của người dân, học sinh DTTS bỏ học sớm, năng lực của cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở hiệu quả chưa cao... Hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, điều kiện kinh tế gia đình, kinh tế - xã hội của cộng đồng. Do đó, việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ những hủ tục không phù hợp với đời sống mới và chấp hành các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình cần đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên.
 
Ban Dân tộc tỉnh được UBND tỉnh giao làm cơ quan đầu mối và thường trực trong công tác triển khai thực hiện Quyết định số 2175/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn I)” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020”. Đề án được Ban Dân tộc tỉnh triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2017. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát nguyên nhân xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại một số thôn, xã có tỷ lệ cao, qua đó, lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng dân tộc, từng địa phương. 
 
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Y tế biên soạn tài liệu tuyên truyền về hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Thời gian qua, đã tổ chức gần 2.000 cuộc tuyên truyền với trên 66.000 lượt cán bộ, Nhân dân tham dự; cấp phát 167.000 tờ rơi, tờ gấp; lắp đặt 29 pano tuyên truyền về hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại trung tâm 25 xã có nguy cơ tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao; cấp phát hơn 1.000 dĩa DVD phim phóng sự tuyên truyền cho 479 thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống để thực hiện tuyên truyền lồng ghép với các cuộc họp khác tại thôn. Cùng với đó, xây dựng được 138 mô hình can thiệp tại 64 xã và 4 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện và tỉnh. Tổ chức 125 hội nghị bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động với trên 7.500 lượt cán bộ và Nhân dân tham dự. 
 
Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn II (2021-2025)”. Trong đó, tập trung vào công tác tác tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS để thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, bảo vệ, phát triển các dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh nói riêng và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực nói chung, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
VIỆT HÙNG