Lạc Dương với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, thời gian qua, khoa học và công nghệ (KHCN) đã có sự đóng góp lớn đối với phát triển ngành Nông nghiệp của địa phương thông qua việc ứng dụng các đề tài KHCN trong sản xuất. Qua đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển các sản phẩm đặc thù, góp phần xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển, nâng cao trình độ canh tác, chất lượng và giá trị nông sản.
|
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Dương ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của một số nước trên thế giới |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, huyện Lạc Dương với xuất phát điểm của nền KHCN ở mức trung bình - thấp của tỉnh. Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành chương trình hành động và cụ thể hóa kế hoạch của Tỉnh ủy nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện có hiệu quả nghị quyết, kết luận của Trung ương, kế hoạch của Tỉnh ủy và chương trình hành động, kế hoạch của Huyện ủy.
Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện đưa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 20 vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hằng năm; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn và từng năm. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn để thể chế hóa việc áp dụng phát triển khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20.
Huyện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nhất là cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, phát huy vai trò cầu nối trong mối liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong huyện theo hướng hàng hóa, hiện đại và bền vững. Hiện, toàn huyện có 19 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt tiêu chuẩn mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Toàn bộ các sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử trang bán hàng Voso của tập đoàn Viettel, VNPT Shop... Đồng thời, tổ chức tham gia nhiều đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, góp phần thay đổi dần tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương.
Xác định kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, Lạc Dương đã chủ động và ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách và huy động được nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các đề tài ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp. Từ năm 2012-2022, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 46 đề tài ứng dụng KHCN với tổng kinh phí thực hiện hơn 7,9 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là các mô hình ứng dụng và mô hình nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp. Các đề tài đã mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội, các mô hình ứng dụng đã giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với kiến thức khoa học trong sản xuất. Qua đó, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị sản xuất cao hơn, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống của người dân. Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp huyện Lạc Dương giai đoạn 2010-2015 là 16%, đến giai đoạn 2015-2020 là 18,81%.
Để phát triển nền nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản... vào lĩnh vực nông nghiệp, tiến đến hợp tác bền vững với một số nước có công nghệ tiên tiến, cụ thể là Nhật Bản nhằm nắm bắt xu thế, kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp để áp dụng tại địa phương. Hiện nay, huyện đang hợp tác với Trường Đại học Đà Lạt để hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm Nông nghiệp thông minh huyện Lạc Dương. Thông qua đó, giúp người dân cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các quy trình canh tác hợp lý, giá cả thị trường, điều kiện thời tiết, năng suất, sản lượng và nhu cầu thị trường để có thể xây dựng kế hoạch cho vụ tiếp theo.
VIỆT HÀO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin