Ký ức ngày 30 tháng 4 năm ấy…

10:05, 03/05/2022
Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, đối với mỗi người con đất Việt thì lịch sử ngày 30/4 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Ngày 30/4/1975 ấy mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không như lớp cha ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu để thống nhất nước nhà, chúng tôi - những người con được may mắn sinh ra trong thời bình, tuy không phải chứng kiến chiến tranh nhưng qua các trang sử được học trên ghế nhà trường thì 30/4 vẫn luôn là một ngày trọng đại của đất nước. 
 
Cung đường cửa ngõ thành phố cũng là một trong những cung đường đẹp nhất thành phố hiện nay mang tên ngày Giải phóng Đà Lạt - Đường 3 Tháng 4
Cung đường cửa ngõ thành phố cũng là một trong những cung đường đẹp nhất thành phố hiện nay mang tên ngày Giải phóng Đà Lạt - Đường 3 Tháng 4
 
Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”… Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta; đồng thời, là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, của Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
 
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Lạng và cựu chiến binh Đỗ Xuân Sinh hiện đang sống ở Đà Lạt vẫn nhớ như in vào trưa ngày 30/4/1975, khi đang trên đường di chuyển cùng lữ đoàn vào giải phóng Sài Gòn thì nghe được thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát qua chiếc đài nhỏ của tiểu đoàn, bảng tin vang lên rất hùng hồn thông báo: “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. Cả Lữ đoàn Pháo binh của các ông vỡ oà niềm vui. Tiếng reo hò vang vọng khắp cánh rừng. Mặc dù không được trực tiếp tham gia vào trận đánh giải phóng Sài Gòn năm ấy do lữ đoàn của các ông được lệnh di chuyển sau và bị mắc kẹt chưa di chuyển vào đến Sài Gòn nhưng ngày 30/4 đã trở thành mốc son trong cuộc đời binh nghiệp và là ký ức không bao giờ quên của hai ông và các đồng đội thuộc Lữ đoàn Pháo binh 164, Quân đoàn 2.
 
Du khách thăm quan mô hình trồng cây ăn trái organik tại Lạc Dương
Du khách thăm quan mô hình trồng cây ăn trái organik tại Lạc Dương
 
Ngày 30/4 có lẽ không chỉ là mốc son của các cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam mà đã trở thành một ngày lịch sử trọng đại của đất nước. Bởi đó là ngày đánh dấu chiến tranh sẽ trở thành dĩ vãng và đất nước Việt Nam sạch bóng quân thù xâm lược, hoà bình được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ “Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau”. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử.
 
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, với lịch sử có lẽ là một thời gian ngắn, song cũng là khoảng thời gian dài của cuộc đời mỗi con người. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã trọn vẹn niềm vui thống nhất. Ngày 30/4 đã trở thành một ngày của sự hoà hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Thế hệ con cháu của những cựu chiến binh một thời tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng và thống nhất đất nước như ông Lạng, ông Sinh đang được hưởng một kỷ nguyên của hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ngày càng hiện đại, giàu mạnh và to đẹp hơn…
 
Khách du lịch thăm quan tìm hiểu về các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Lâm Đồng tại khách sạn Collin Đà Lạt
Khách du lịch thăm quan tìm hiểu về các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Lâm Đồng tại khách sạn Collin Đà Lạt
 
Đã 47 năm trôi qua nhưng với hai cựu chiến binh Nguyễn Duy Lạng và cựu chiến binh Đỗ Xuân Sinh mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975 là cảm xúc về ngày đại thắng và thống nhất hoàn toàn 2 miền Nam Bắc lại ùa về trong tâm trí hai ông và nhắc nhở các ông nhớ về những kỷ niệm thời trai trẻ oai hùng đã cùng đồng đội sống hết mình vì Tổ quốc, vì độc lập, thống nhất của dân tộc. Từng khuôn mặt, tiếng reo hò vang vọng giữa cánh rừng trưa ngày 30/4/1975 năm ấy vẫn sống động như chỉ mới hôm qua. 
 
Cả hai ông đều tự hào chia sẻ rằng, bản thân mình may mắn vì vẫn còn sống sót sau chiến tranh, còn khỏe mạnh để được hưởng hoà bình, được tham gia vào quá trình xây dựng đất nước, xây dựng địa phương Lâm Đồng và cũng được hưởng cuộc sống gia đình vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu mãi đến tận hôm nay. Nên năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, các ông đều cảm thấy thật xúc động khi được chứng kiến hình ảnh người dân cả nước nô nức các hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước và đặc biệt, cảm thấy hạnh phúc với những hình ảnh người dân cả nước được nghỉ lễ kỷ niệm ngày chiến thắng và cùng nhau tổ chức đi du lịch, nghỉ dưỡng. 
 
“Có trải qua biết bao đau khổ, mất mát, gian khó của những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước rơi vào khói đạn, đồng đội hy sinh, người dân hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, và mới cảm nhận hết được giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn của Tổ quốc. Vì thế, chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ, các thế hệ con cháu hãy luôn ghi nhớ ngày này để biết trân trọng những ngày tháng hoà bình, thống nhất, hoà hợp của đất nước” - Cựu chiến binh Nguyễn Duy Lạng chia sẻ.
 
NGUYÊN THI