Niềm tin dẫn đường

06:05, 11/05/2022
Từ một công nhân nghèo khó, chật vật mưu sinh nơi đất khách quê người, nhưng với nghị lực và ý chí không ngừng phấn đấu, thầy Nguyễn Đình Dân đã xây dựng được cho mình một chỗ đứng xứng đáng trong tâm trí bao thế hệ học trò Trường THCS Tu Tra (Đơn Dương) với tất cả yêu thương và kính trọng.
 
Những cử chỉ ân cần, chu đáo của thầy giáo Nguyễn Đình Dân
Những cử chỉ ân cần, chu đáo của thầy giáo Nguyễn Đình Dân
 
Vượt hơn 40 cây số, giữa cái nắng gắt của một trưa ngày cuối tháng 4, tôi tìm đến Trường THCS Tu Tra để gặp thầy Nguyễn Đình Dân - Hiệu trưởng nhà trường. Đang loay hoay hỏi bác bảo vệ phòng làm việc của thầy Dân, thì bỗng nghe tiếng gọi lớn “Thầy đây!” với chất giọng đặc sệt Nghệ Tĩnh vang lên từ phía dãy nhà giáo viên, cách chỗ tôi chừng 30 m.
 
Dáng người cao, tóc điểm bạc, khuôn mặt nhân hậu nhưng nghiêm nghị, thầy Dân mời tôi vào phòng làm việc. Sau vài câu giới thiệu và chuyện trò, thầy dẫn tôi đi tham quan trường. Ngôi trường gồm 3 dãy nhà hai tầng khang trang, khuôn viên trường xanh mát với hàng cây phượng rực sắc đỏ và những luống hoa đang thì nở rộ. Vừa đi thầy vừa kể: “Thầy về trường này công tác đã được gần 6 năm. Ngày mới về, trường chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, 16 phòng học, hầu hết đã xuống cấp, tường mục nát, ẩm thấp. Phương pháp dạy học và quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, hơn một nửa học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và chưa dành nhiều quan tâm cho việc học tập của con em”.
 
Trăn trở với những khó khăn của trường, thầy nhiều đêm thức trắng nhằm tìm giải pháp cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất. Trên phương diện giảng dạy, nhờ phương châm “Dạy thật - Học thật” và liên tục đổi mới, cải tiến phương pháp truyền đạt, đánh giá, kiểm tra... chất lượng học tập của học sinh ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó là sự sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng dụng cụ học tập, ứng dụng CNTT... nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Những phong trào thi đua như “Hai tốt”, “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”... luôn được học sinh và giáo viên hưởng ứng tích cực, tạo động lực phấn đấu, thi đua sôi nổi trong trường học. 
 
Nhưng để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thầy cho rằng “cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp cũng quan trọng không kém”. Nhờ những kế hoạch thấu đáo trong quá trình tham mưu cho Phòng Giáo dục huyện, năm 2018, Trường THCS Tu Tra đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách với hơn 8 tỷ đồng. Khuôn viên mới gồm 3 dãy nhà khang trang, sân bê tông rộng gần 10 ngàn mét vuông, khu vui chơi có đầy đủ sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng như máy tính, tivi, đèn chiếu... Bên cạnh đó, “đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như học sinh trường thường xuyên trồng hoa, cây xanh, giữ gìn vệ sinh để trường xanh đẹp như hôm nay” - thầy Dân chia sẻ.
 
Từ một ngôi trường xập xệ, không khí giảng dạy và học tập ngưng trệ nhưng với nỗ lực phấn đấu không ngừng, Trường THCS Tu Tra đã đạt được nhiều thành tích nổi trội. Từ chỗ nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, nay, sĩ số luôn duy trì và giữ vững. Hơn hết, niềm tin của phụ huynh học sinh được cải thiện rõ rệt; tình trạng các gia đình chuyển con em sang trường thị trấn và các trường lân cận khác gần như chấm dứt. Riêng năm học 2020-2021, trường có 6 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 giáo viên đạt giải Nghiệp vụ sư phạm trẻ, 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 7 học sinh giỏi cấp huyện và 4 học sinh giỏi cấp tỉnh. Tập thể trường được công nhận là Tập thể lao động tiên tiến cấp huyện nhiều năm liên tiếp. Năm 2020, trường đạt chất lượng giáo dục cấp độ 2, chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đặc biệt, bản thân thầy Nguyễn Đình Dân được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021. 
 
Đứng trước người thầy giáo nghiêm nghị, cương quyết trong hành động nhưng lại ân cần, tận tình chỉ bảo học trò, ít ai nghĩ rằng, 30 năm trước, thầy Dân chỉ là một người công nhân xa xứ với nhiều gian truân vất vả mưu sinh. Xuất thân từ một gia đình nghèo vùng Đô Lương (Nghệ An), tốt nghiệp THPT, thầy Dân đành ngậm ngùi gác sách, tìm việc làm để bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Năm 1992, thầy vào Lâm Đồng và làm công nhân cho một nhà máy gỗ ở Trại Mát (Phường 11, Đà Lạt). Nhưng chỉ được vài năm thì nhà máy giải thể do thiếu nguyên liệu. Một mình bơ vơ giữa Đà Lạt, không người thân quen, thầy bươn chải đủ nghề kể cả khuân vác, phụ hồ để kiếm sống. Dù gặp nhiều nghịch cảnh, nhưng, với truyền thống hiếu học của quê hương, thầy vẫn không quên chắt góp để mong có ngày trở lại trường học. 
 
Năm 1996, với hơn 1 cây vàng tích góp được, thầy yên tâm thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Tốt nghiệp, thầy Dân về giảng dạy tại trường THCS Lạc Lâm, Đơn Dương. Thầy lần lượt đảm nhận các vị trí từ giáo viên, tổ trưởng bộ môn, hiệu phó rồi hiệu trưởng nhờ nỗ lực không ngừng của bản thân. Nhưng để nâng cao chuyên môn, năm 2003, thầy tiếp tục học lên và tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Tây (nay là một phần của Hà Nội). Năm 2016, thầy được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Tu Tra và giúp trường đạt được những thành quả như ngày nay.
 
Từ một công nhân nghèo khó, vất vả mưu sinh nơi xứ người, nhưng với tinh thần hiếu học và ý chí cầu tiến, thầy đã vượt qua bao gian truân, thử thách để đạt được giấc mộng của đời mình, xứng đáng với sự tin yêu, trân trọng của đồng nghiệp và bao thế hệ học trò. Trong suốt chặng đường đã qua, mặc dù gặp nhiều nghịch cảnh nhưng thầy Dân vẫn luôn giữ vững niềm tin: “Nếu mình còn cố gắng thì tương lai còn rộng mở”.
 
NHẬT QUỲNH