Niềm trăn trở của người thầy trên tà áo dài Việt Nam

06:05, 28/05/2022
(LĐ online) - Mang trong mình dòng máu nghệ sĩ, thầy giáo Phạm Công Tuyên vượt qua nhiều khó khăn, lặn lội hơn 300 km đưa bộ môn vẽ nghệ thuật từ màu Acrylic đến với thành phố ngàn hoa…
 
Thầy và trò tại lớp học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan Đà Lạt
Thầy và trò tại lớp học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan Đà Lạt
 
•  NGƯỜI HỌA SĨ TÀI HOA 
 
Phạm Công Tuyên là một người họa sĩ yêu thích vẽ tranh, mang trong mình dòng máu nghệ thuật. Cách đây 4 năm trên xứ sở ngàn hoa, ông đã nhận lời mời đến với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan để dạy bộ môn hội họa. Nhưng ở thời điểm đó, thật khó để tìm đầu ra cho tác phẩm một sức sống mới nên thầy Tuyên đã tìm tòi và bắt tay vào nghề vẽ thủ công trên vải, chủ yếu đưa vẻ đẹp của nơi cao nguyên huyền bí, sinh động vào trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Điểm độc đáo ở chỗ, người họa sĩ này sử dụng màu Acrylic chuyên dụng mà hầu như tại Đà Lạt ít ai dám thử trên chất liệu áo dài vẽ 3D hoàn toàn bằng thủ công.
 
Hiện, thầy Tuyên đang là giáo viên tại xưởng vẽ Anthony của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan Đà Lạt. Chính thiên nhiên nơi này giúp cho người họa sỹ như thầy cảm thấy được thư giãn, thêm yêu đời, có thêm động lực, nhiều ý tưởng mới lạ cho đứa con tinh thần của mình. 
 
Ngoài áo dài, vì muốn chia sẻ niềm đam mê đó đến với những ai có chung sở thích nên lớp còn nhận vẽ đầm, sơ mi, khăn cổ, túi xách, nón… Lớp học của thầy chỉ nhận khoảng 7 đến 10 học viên để có thể kèm từng người theo cấp bậc từ căn bản đến nâng cao. 
 
Các sản phẩm trưng bày tại xưởng vẽ Anthony
Các sản phẩm trưng bày tại xưởng vẽ Anthony
 
•  NIỀM ĐAM MÊ CỦA MỌI LỨA TUỔI
 
Cô Trần Thị Tuyết Vy, 70 tuổi, học viên đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Do ngày còn trẻ tôi bận lo toan, kiếm tiền trang trải cuộc sống nên bây giờ khi về hưu lại muốn quay lại, thử sức với công việc yêu thích của mình đó là nghề vẽ thủ công trên vải. Sau thời gian tìm hiểu, dù ở tận Sài Gòn nhưng tôi vẫn chọn đăng ký học lớp vẽ của thầy Tuyên vì cảm nhận được tình cảm mà người họa sĩ này đang từng ngày cống hiến cho nghệ thuật bằng chính đôi tay của mình…”. 
 
Thầy Tuyên tâm sự: “Học thêm một nghề là cơ hội mở thêm cánh cửa tương lai”. Được biết, người đăng ký lớp học vẽ của thầy Tuyên đến từ mọi miền tổ quốc, người trẻ người già đều có… Bởi chính nghệ thuật giúp con người thư giãn và xích lại gần nhau hơn. 
 
Được biết, năm 2010, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan Đà Lạt được thành lập dành cho những ai có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ học phí và có chứng chỉ nghề sau khi tốt nghiệp tại trường. Vậy nên, xưởng vẽ Anthony của thầy Tuyên không chỉ là môi trường dạy học bổ ích mà còn là nơi để mọi người cùng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua Đại dịch Covid-19 vừa qua.
 
Bạn Nguyễn Hoàng Tiến, 22 tuổi, học viên đến từ huyện Đơn Dương cho biết: “Do từ nhỏ em đã yêu thích môn vẽ nên gia đình rất ủng hộ em học nghề xa nhà để theo con đường nghệ thuật. Được tự tay thao tác trên nền vải gợi cho em rất nhiều cảm hứng để sáng tác và càng khiến em yêu nghề vẽ thủ công mang đậm nét văn hóa truyền thống này hơn…”. 
 
Khách hàng bên tà áo dài mang nét đẹp văn hóa người Việt
Khách hàng bên tà áo dài mang nét đẹp văn hóa người Việt
 
•  NIỀM TRĂN TRỞ…
 
Thầy Tuyên trao đổi thêm: Khác với nền “mỹ thuật công nghiệp” hàng loạt, vẽ thủ công trên trang phục dù cùng một công thức nhưng người theo nghề phải tìm ra được phương pháp vẽ và pha màu sao cho phù hợp với mỗi loại vải, làm sao để họa tiết được thể hiện một cách hài hòa, chân thật và sắc nét nhất. Mỗi chiếc áo dài có họa tiết riêng, độc đáo là phong cảnh thiên nhiên hoặc chân dung, hình ảnh sinh hoạt của con người… đã tạo nên giá trị sản phẩm cao dành cho nghề vẽ tay bằng màu Acrylic ngày càng được ưa chuộng, tôn vinh lên nét đẹp người phụ nữ Việt. 
 
Nhưng điều đáng trân quý ở đây, lớp học này vẫn tồn tại được là vì thầy chưa bao giờ coi xưởng vẽ của mình là nơi cho phép hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Hơn hết, đây là nơi để thử nghiệm đưa ra nhiều mẫu sản phẩm trên các chất liệu khác nhau để cùng tham khảo, học hỏi và trao nghề cho người mới bắt đầu nên lúc nào chất lượng sản phẩm cũng được thầy và trò đặt lên hàng đầu. 
 
Chị Lê Thị Thu, 28 tuổi, Phường 2, TP Đà Lạt cho biết: “Tôi rất là thích các sản phẩm từ handmade và đặc biệt là áo dài vẽ tay. Nên đối với một người yêu thích nghệ thuật như tôi thì luôn mong muốn, nghề vẽ thủ công này sẽ không bị mai một theo thời gian và ngày càng nhiều người biết đến lớp vẽ để giúp học viên ở đây có thêm cái nghề trang trải cuộc sống thường nhật…”.
 
Thầy Tuyên tâm sự: Sau thời gian dịch kéo dài, thì xưởng vẽ đã tập trung nghiên cứu và mới cho ra mắt bộ sưu tập áo dài kết hợp phương pháp mới từ bột ngọc trai giúp tăng thêm độ óng ánh, sang trọng càng làm cho chiếc áo dài trở nên cá tính, độc đáo hơn. Và sắp tới sẽ hoàn thiện chủ đề mới về “Dấu ấn Tây Nguyên” trên trang phục truyền thống áo dài. 
 
“Chỉ có đam mê mới tồn tại” - thầy Tuyên nói, chính vì nghề thủ công này có giá trị đặc biệt truyền tải “ngôn ngữ nghệ thuật” mang tiếng nói riêng từ sản phẩm handmade nên mới sinh tồn được song song với nền “mỹ thuật công nghiệp” hiện nay. Theo đó, nghề vẽ tay thủ công vẫn sẽ mãi tồn tại theo đúng giá trị mà nó đã và đang mang lại cho cuộc sống tinh thần của con người thêm phong phú.
 
Trong thời gian dịch diễn ra, lớp học vẫn được duy trì nhưng hiện tại xưởng vẽ lại gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh năm học mới. Do đó, thông qua bài viết này, thầy và nhà trường rất mong sẽ có nhiều người biết đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan; nơi sẵn sàng hỗ trợ và chắp cánh ước mơ, thỏa niềm đam mê của bạn với nghệ thuật, khi nghề thủ công đang dần bị mất đi theo thời gian…
 
Sinh năm 1970, trước đây, Phạm Công Tuyên là họa sĩ tự do sống và làm việc ở Sài Gòn. Ông thích các hoạt động thiện nguyện nên thường xuyên cộng tác với các trung tâm thiện nguyện trong lĩnh vực giáo dục về hội họa.
 
Trong số các trung tâm thiện nguyện mà ông đã từng cộng tác có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục Lasan. Ông từng làm việc ở nhiều chi nhánh thiện nguyện của Trung tâm này và cuối cùng được Giám đốc Trung tâm Lasan mời về Đà Lạt. 
 
Ông chọn ở lại Đà Lạt và gắn bó đến nay là vì muốn cộng tác với Trung tâm dài lâu trong lĩnh vực hướng nghiệp và đặc biệt giúp đỡ cho học viên là người nghèo. Và, Đà Lạt cũng là nơi thích hợp để ông sáng tác và làm nghệ thuật.
 
ĐẶNG HÀ