Phú Sơn chú trọng giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:05, 06/05/2022
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ 9,36% năm 2022 xuống còn 6,0% vào cuối năm 2025, UBND xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) chủ trương phát triển kinh tế của người dân thuộc 2 thôn khó khăn Preteing 1 và Preteing 2 theo hướng chuyển đổi cây trồng, từ cây cà phê già cỗi, lúa 1 vụ năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm.
 
Ông K’Tin chăm sóc lại vườn dâu của gia đình, chuẩn bị nuôi lứa tằm tiếp theo
Ông K’Tin chăm sóc lại vườn dâu của gia đình, chuẩn bị nuôi lứa tằm tiếp theo
 
Đến cuối năm 2021, toàn xã Phú Sơn có 93 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm tỷ lệ 4,2%, trong đó, đồng bào DTTS có 35 hộ; 118 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,3%, đồng bào DTTS có 37 hộ. Phần lớn trong số này tập trung tại 2 Thôn Preteing 1 và Preteing 2.
 
Nằm cách trung tâm xã Phú Sơn 7 km về phía Đông Bắc, 2 Thôn Preteing 1 và Preteing 2 có địa bàn rộng, đường sá đi lại phức tạp, lại nằm trong vùng trũng nên thường bị chia cắt vào mùa mưa, nhất là trước năm 2018 khi con đường bê tông nối từ trung tâm xã vào thôn còn chưa được hoàn thành. Tổng dân số 2 thôn là 470 hộ, 2.082 khẩu, với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm người Kinh, K’Ho, Mạ, Cil, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Thái. Trong đó, có 120 hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên với 520 khẩu. 
 
Thôn Preteing 1 và Thôn Preteing 2 có 44 hộ nghèo; 38 hộ cận nghèo. Kinh tế 2 thôn này còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ DTTS do ít đất sản xuất, chủ yếu trồng cây cà phê và cây lúa; diện tích cây cà phê già cỗi và lúa 1 vụ cho năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. Thu nhập thấp dẫn đến đời sống của người dân 2 thôn còn gặp nhiều thiếu thốn.
 
Để cải thiện tình trạng này, đầu tháng 4/2022, UBND xã Phú Sơn đã xây dựng kế hoạch và có tờ trình UBND huyện Lâm Hà về việc hỗ trợ phát triển kinh tế trong đồng bào DTTS cùng Nhân dân 2 Thôn Preteing 1 và Preteing 2. Mục đích nhằm vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thoát nghèo; hướng dẫn bà con thay đổi cách thức làm ăn theo hướng sản xuất tập thể, tham gia vào các mô hình, tổ hợp tác, tổ liên kết phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn xã.
 
Với việc tập trung giảm nghèo theo hướng chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê già cỗi, lúa 1 vụ năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm, UBND xã Phú Sơn đề nghị UBND huyện Lâm Hà và các phòng, ban, đơn vị liên quan hỗ trợ một số nội dung như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho các hộ dân; hỗ trợ kinh phí mua nong, né nuôi tằm các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ giống cây dâu cho các hộ chuyển đổi cây trồng, với diện tích khoảng 120 ha; hỗ trợ cho các hộ dân tham gia chuyển đổi được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ thôn, người có uy tín; các hộ dân đăng ký chuyển đổi cây trồng tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình đã thành công trong việc chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm trong và ngoài địa phương.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, bà Nguyễn Thị Thanh Lan, kế hoạch phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS và Nhân dân tại 2 Thôn Preteing 1 và Preteing 2 góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đưa Phú Sơn đạt xã nông thôn mới nâng cao theo nghị quyết của Đảng ủy xã.
 
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ trong năm 2022 gồm 37 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tại 2 Thôn Preteing 1 và Preteing 2. Người dân sẽ được hỗ trợ giống dâu, nong né nuôi tằm, tập huấn kỹ thuật và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Bên cạnh đó, giống dâu cũng được huy động xã hội hóa thêm từ các mô hình trồng dâu nuôi tằm trong và ngoài xã ủng hộ.
 
Thôn Preteing 2 là thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2026. Năm 2022, Thôn Preteing 2 có đến 31 hộ trên tổng số 37 hộ đăng ký tham gia kế hoạch. Ông Lâm Văn Quyền - Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ, việc hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm là vô cùng cần thiết, bởi trên thực tế, nghề nuôi tằm đã chứng minh là nghề tạo sinh kế rất tốt với người dân huyện Lâm Hà, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện.
 
Hiện, Thôn Preteing 2 có 350 hộ, với 1.500 khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS có hơn 500 nhân khẩu, chiếm 1/3 dân số toàn thôn và có thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung của thôn và xã. Hơn 20 năm gắn bó với công tác thôn, hiểu rõ từng nóc nhà, từng con người ở vùng lòng chảo này, ông Quyền cho biết: “Đời sống bà con, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà đã dần đi vào ổn định, dù vậy vẫn còn ở mức thấp. Cây trồng chủ yếu là cà phê và cây lúa nước, kỹ thuật chưa cao nên năng suất vẫn chưa hiệu quả. Thế nên, kế hoạch lần này của UBND xã sẽ là động lực để bà con thay đổi tư duy và hành động trong phát triển kinh tế gia đình từ chính nội lực của mình”.
 
Động lực đó, còn đến từ những người mạnh dạn tiên phong đi trước. Ông K’Tin (57 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên trồng dâu nuôi tằm ở Thôn Preteing 2. Cách đây 4 năm, những sào lúa năng suất thấp của ông bắt đầu được chuyển sang trồng dâu. Trên vườn dâu đang được cải tạo, chuẩn bị cho lứa nuôi tằm tiếp theo, ông K’Tin chia sẻ: “Kỹ thuật trồng dâu thì đơn giản, chỉ cần làm cỏ, bón phân, tưới nước. Nuôi tằm thì tôi học anh em ở thị trấn, nhìn người ta nuôi thế nào thì mình làm theo như vậy. Năm đầu có hơi vất vả vì tôi vừa nuôi vừa học, nhưng dần thì quen, có kinh nghiệm hơn nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm”. Đến nay, gia đình ông K’Tin đã có 4 sào trồng dâu, mỗi đợt nuôi một hộp, gia đình ông có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng cây lúa. 
 
Theo kế hoạch được UBND xã Phú Sơn xây dựng, năm 2022 được chia thành 4 giai đoạn thực hiện với các nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh sự hỗ trợ về giống dâu, kỹ thuật và vốn vay, UBND xã Phú Sơn đặc biệt chú trọng việc huy động toàn thể hệ thống chính trị - xã hội, già làng, người có uy tín tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích cho các hộ dân tại 2 Thôn Preteing 1 và Preteing 2 tiếp tục mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện chuyển đổi cây trồng.
 
V.QUỲNH - T.HIỀN