Tạo sân chơi sáng tạo khoa học cho học sinh

06:05, 30/05/2022
Với 2 giải cấp quốc gia và 8 giải cấp tỉnh chỉ riêng trong năm học 2020-2021, Đơn Dương trở thành một trong những địa phương tiêu biểu, đi đầu và có nhiều thành tích trong các phong trào, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh.
 
Thầy và trò Trường THCS Ka Đô sáng tạo thiết bị giúp ích cho nông nghiệp địa phương
Thầy và trò Trường THCS Ka Đô sáng tạo thiết bị giúp ích cho nông nghiệp địa phương
 
Để đạt được những kết quả nổi bật đó, thời gian qua, Phòng Giáo dục huyện Đơn Dương đã liên tục triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để khuyến khích và phát triển phong trào. 
 
Theo ông Bùi Khắc Toàn - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đơn Dương, trước đây, do chưa có sự quan tâm sâu sát, phong trào sáng tạo khoa học, kỹ thuật tại các trường trên địa bàn chưa thực sự sôi nổi “mỗi năm chỉ có khoảng từ 7 đến 8 đề tài đăng ký tham gia, phần lớn các đề tài chưa được đầu tư công sức và thời gian thích đáng”. Để khắc phục tình trạng này và hơn hết là khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của học sinh, Phòng Giáo dục huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện liên tục tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cho học sinh trên địa bàn huyện. Mỗi năm học, phòng đều xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các trường THCS trên địa bàn huyện tham gia các cuộc thi và khích lệ học sinh hưởng ứng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, phòng cũng khuyến khích các trường đầu tư cơ sở vật chất, kịp thời khen thưởng và hỗ trợ cho những em có đề tài sáng tạo, tạo điều kiện mở rộng sáng kiến.
 
Nhờ những hành động kịp thời và sâu sát trên, “hai năm trở lại đây, phong trào tham gia sáng tạo khoa học, kỹ thuật của các trường đã trở nên sôi nổi hơn hẳn” - ông Toàn cho biết. Số lượng và chất lượng của các sản phẩm tham gia các cuộc thi sáng tạo cấp huyện, tỉnh tăng rõ rệt với các năm trước. Nhiều trường quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh tự do phát triển ý tưởng và tổ chức thực hiện. Qua đó, xuất hiện nhiều đề tài của học sinh có tính thực tiễn, giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể tại địa phương và đạt được giải cao tại các cuộc thi. 
 
Ông Toàn cho rằng, các Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật là một nhân tố thiết yếu giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng. Trăn trở tìm kiếm các giải pháp đã trở thành chất keo kết dính giúp các em tích hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều môn học khác nhau. Hành trình sáng tạo và vận dụng kiến thức cũng chính là chiếc cầu giúp các em vượt qua sự khô khan, trừu tượng của lý thuyết để đến với sự đa dạng, sinh động của thế giới hiện thực - tự nhiên và xã hội. Do vậy, kết thúc mỗi đề tài nền tảng kiến thức trong mỗi em lại càng thêm vững vàng liên kết và bền lâu hơn.
 
Với những lợi ích như vậy, Phong trào Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tại các trường cũng ngày càng sôi nổi ở Đơn Dương. Và, Trường THCS Ka Đô là một điển hình. Thầy Vũ Văn Công - Hiệu trưởng trường chia sẻ, để thúc đẩy tinh thần sáng tạo của học sinh, trường đã thành lập ban đánh giá đề tài, bao gồm hai nhóm: nhóm hành vi xã hội và nhóm khoa học, công nghệ. Với các đề tài khả thi và hữu ích, giáo viên sẽ hỗ trợ học sinh phát triển và triển khai ý tưởng. Các đề tài tham gia các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh sẽ được trường hỗ trợ kinh phí, thiết bị. Các cá nhân, nhóm đạt thành tích cao sẽ được tuyên dương và khen thưởng. Ngoài ra, trường phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh để khảo nghiệm, hỗ trợ chuyên môn và đánh giá tính khả thi của đề tài.
 
Nhờ sự khích lệ và hỗ trợ kịp thời này, “hầu hết các năm, trường đều có học sinh đạt giải sáng tạo cấp huyện, tỉnh” - thầy Công cho biết. Riêng trong năm học 2020-2021, trường có 1 giải Nhì cấp huyện, 2 giải Nhì cấp tỉnh và 1 giải khuyến khích cấp quốc gia trong các Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên. Các đề tài đều có tính ứng dụng và thực tiễn cao. Bầu không khí phấn đấu sôi nổi này vượt qua phạm vi các Phong trào Sáng tạo khoa học, lan tỏa và tiếp thêm động lực cho học sinh, giáo viên thi đua, học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường tăng lên rõ rệt, học kì I năm học 2020-2021, Trường THCS Ka Đô có 19 học sinh giỏi cấp huyện và 17 em được gọi vào đội tuyển tiếp tục bồi dưỡng dự thi vòng Tỉnh; 3 giáo viên đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi. 
 
Có thể thấy, các sân chơi sáng tạo khoa học - kỹ thuật là một điển hình cho phương pháp “học đi đôi với hành”. Học sinh nắm vững và áp dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, giáo viên chủ động tìm tòi, cải tiến phương pháp giảng dạy, truyền đạt. Do vậy, theo ông Toàn, thời gian tới, “ngoài duy trì và phát huy các sân chơi hiện có, Phòng Giáo dục huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, đồng thời khen thưởng và hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy phong trào cũng như nâng cao chất lượng giáo dục nói chung”.
 
NHẬT QUỲNH