Đạ Tẻh trên con đường giảm nghèo bền vững

06:06, 03/06/2022
Là huyện vùng xa, nên Đạ Tẻh luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Những năm qua, huyện đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả. Từ đó  nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Nhờ được tiếp cận với các nguồn vốn vay, đời sống gia đình anh Huy được nâng lên rõ rệt
Nhờ được tiếp cận với các nguồn vốn vay, đời sống gia đình anh Huy được nâng lên rõ rệt
 
•  NỖ LỰC GIẢM NGHÈO
 
Anh Đinh Xuân Huy (34 tuổi, Thôn 6, Mỹ Đức) cho hay: Năm 2015, đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng anh, bởi lúc ấy cả hai đều quyết định từ TP Hồ Chí Minh về quê hương chỉ với hai bàn tay trắng. Xuất phát điểm thấp, và từ hộ gia đình nằm trong diện cận nghèo, anh Huy được giới thiệu và tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) và một số nguồn vốn khác. Từ 30 triệu đồng vốn vay cho hộ cận nghèo, gia đình anh bắt tay vào phát triển kinh tế, trồng dâu nuôi tằm. Sau đó tiếp tục được vay vốn cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, cộng với các khoản dành dụm khác tích cóp được, vợ chồng anh Huy tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo. 
 
Anh Huy phấn khởi nói: “Đến nay gia đình có hơn 5 sào dâu tằm, sản lượng lá đạt khoảng 1,5 tạ/2 tháng, số lượng heo trong chuồng có 7 heo nái và 20 heo con mới tách. Còn số diện tích đất sản xuất còn lại tôi dùng để trồng vú sữa nhằm tăng thêm thu nhập. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình khoảng 500-600 triệu đồng đã trừ chi phí.”. 
 
Cũng như gia đình anh Huy, anh Lã Văn Hạnh (Thôn 4, xã Quảng Trị) từ hộ gia đình nằm trong diện hộ nghèo, năm 2019, anh được bình xét vay vốn để cải thiện đời sống. Đến nay gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt. Đầu năm 2021, gia đình anh xin ra khỏi hộ nghèo.
 
•  PHÁT HUY THẾ MẠNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG
 
Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Đạ Tẻh đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo vươn lên. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân, đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, qua đó tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... nhiều hộ nghèo đã được vay vốn để phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, sửa chữa nhà ở, từng bước vươn lên giảm nghèo.
 
Giai đoạn 2016-2020, thông qua nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (30a, 135), huyện Đạ Tẻh đã phân bổ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. 
 
Trong giai đoạn này, UBND huyện đã hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hơn 1,5 tỷ đồng; trợ cấp Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo hơn 300 triệu đồng; chi trả trợ cấp hằng tháng cho hơn 1.600 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Cùng với đó, đã hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo 201 căn với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và huy động tài trợ. Tổ chức được 31 lớp dạy nghề cho 878 lao động nông thôn, trong đó dạy nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo 175 lao động. Hằng năm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật khoảng 55 lớp cho hơn 2.400 lượt người tham dự.
 
Năm 2016-2020, ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, UBND huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã Đạ Pal, Quốc Oai, Mỹ Đức và Đạ Lây kinh phí 554 triệu đồng. Theo đó, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá như lúa chất lượng cao, bắp chuyển đổi mùa vụ, dâu tằm, cao su, cây ăn trái, tre tầm vông; trồng dâu nuôi tằm. 
 
Từ việc đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Vào năm 2016, toàn huyện có 754 hộ nghèo, tỷ lệ 6,26%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,9 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,83%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. 
 
Để thực hiện giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025, ngoài tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao năng lực giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao, UBND huyện Đạ Tẻh tập trung gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Địa phương chú trọng đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các xã, trong đó chủ yếu đầu tư vào đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, đẩy mạnh công tác tín dụng, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, xây dựng những mô hình điểm, hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo, người cận nghèo làm ăn có hiệu quả.
 
THÂN THU HIỀN