Để phát triển giáo dục, tất yếu phải đi lên bằng hai chân: giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ tới trường, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường mầm non công lập.
|
Ngành Giáo dục Lâm Đồng hội thảo về giáo dục mầm non ngoài công lập, ngày 16/6/2022 |
•
SỰ TẤT YẾU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON NGOÀI CÔNG LẬP
Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (MNNCL) ở Lâm Đồng ngày càng đa dạng về loại hình, có cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật hòa nhập, có các cơ sở chất lượng cao, ứng dụng chương trình giáo dục tiên tiến. Toàn tỉnh hiện có 231 trường mầm non (MN), trong đó 59 trường MNNCL, 445 nhóm, lớp độc lập tư thục (NLĐLTT), chiếm 25,5% tổng số trường MN. Năm học 2021-2022, Lâm Đồng có 73.446/106.368 trẻ đến trường, trong đó 24.461 trẻ học MNNCL, chiếm tỷ lệ 33.31%.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho rằng: Việc nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ là quan trọng nhưng còn là vấn đề củng cố. Giáo dục đi lên bằng hai chân, chính quy và không chính quy, vì vậy giáo dục ngoài công lập cũng phải ngang bằng công lập, đặc biệt là GDMN. Sự phát triển mạnh MN tư thục ở các nước cho thấy hiệu quả của việc xã hội hóa.
Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế chung đối với giáo dục MNNCL gồm: Dân số tăng nhanh về cơ học, luôn biến động do đó dự báo nhu cầu đến trường của trẻ chưa theo kịp; áp lực thời gian dạy trẻ kéo dài do phụ huynh không đón được con theo giờ hành chính.
Trong đánh giá chất lượng quản lý, tổ chức và hoạt động, công tác quản lý các NLĐLTT chưa thực sự hiệu quả; còn thiếu các quy định phân công trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng; các phòng GDĐT số lượng chuyên viên mỏng, địa bàn quản lý rộng. Việc chấn chỉnh những sai sót trong hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ và biện pháp xử lý vi phạm qui chế còn chưa kiên quyết.
Về đánh giá chất lượng tổ chức và hoạt động, một số NLĐLTT có xu hướng chú trọng hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng hơn là hoạt động giáo dục trẻ. Việc thực hiện chương trình giáo dục MN chưa được sử dụng hiệu quả tại một số cơ sở; các điều kiện như trang thiết bị, đồ dùng học tập, sân chơi, nhà vệ sinh, nhà bếp... còn thiếu thốn, chưa đảm bảo. Ở một số NLĐLTT, chất lượng bữa ăn của trẻ còn thấp, công tác quản lý bữa ăn chưa chặt chẽ, thiếu công khai trong việc chi tiêu ăn uống hàng ngày của trẻ, một số nơi có hiện tượng cắt xén chương trình và dạy chữ trước theo chương trình lớp Một. Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Di Linh Nguyễn Phước Bảo Cường cho biết, những khó khăn đó là nguồn tài chính lớn để xây dựng trường và duy trì hoạt động; thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao...
•
CỦNG CỐ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC MNNCL
Những giải pháp chung được đưa ra để khắc phục những bất cập, khó khăn nói trên là: Quy hoạch mạng lưới, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để đa dạng hóa các loại hình; tích cực kiểm tra, giám sát, xây dựng các chính sách ưu tiên hỗ trợ kịp thời; tăng cường truyền thông làm thay đổi nhận thức của nhà quản lý, xã hội, nhà đầu tư và cha mẹ trẻ; phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và đổi mới công tác quản lý nhà nước.
Phó Trưởng Phòng Giáo dục MN-Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT) Nguyễn Thị Hồng Diễm nhấn mạnh: “Phòng GDĐT cần tổ chức thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở giáo dục MN nhằm khắc phục và tìm giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn”. Để phát triển đội ngũ, bà Hoàng Bích Trâm, chuyên viên Phòng GDĐT thành phố Đà Lạt cho biết, cần các giải pháp nâng cao về nhận thức, tư tưởng; chất lượng chuyên môn qua tổ chức các chuyên đề, hội thảo, tập huấn; chất lượng thông qua các hội thi; chất lượng chuẩn hóa, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ; và tăng cường công tác kiểm tra nội bộ.
Kinh nghiệm từ Lớp MNĐLTT Thanh Hiền, huyện Đức Trọng, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Huyền Châu chia sẻ, đó là áp dụng phương pháp giáo dục Montessori. Đây là phương pháp hình thành dựa trên những nghiên cứu, thông qua việc quan sát, ghi nhận, đánh giá của bà Montessori về trẻ em sống trên nhiều quốc gia. Có 4 lĩnh vực học tập trong lớp học Montessori: Đời sống thực tiễn (Practical life); Cảm quan (Sensorial); Ngôn ngữ (Language) và Toán (Math). “Dựa vào 4 lĩnh vực học tập này, chúng tôi ứng dụng phương pháp Montessori vào thực hiện chương trình giáo dục MN hiện hành và đã đạt hiệu quả góp phần việc đổi mới công tác quản lý”, cô Huyền Châu cho biết.
Chia sẻ thành công của Trường MN Hoa Hướng Dương, huyện Lâm Hà, theo Hiệu trưởng Đặng Thị Kim Nhung đó là tập trung triển khai các giải pháp như: Chất lượng vệ sinh chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh; xây dựng nhà trường trở thành ngôi trường hạnh phúc; nâng cao chất lượng tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh các hoạt động của trường. Từ hiệu quả về xã hội hóa tại Trường MN Bá Thiên, thành phố Bảo Lộc, Hiệu trưởng Chu Lưu Phương cho biết, giải pháp là phối hợp với phụ huynh và đầu tư, quản lý cơ sở vật chất phù hợp. Trong khi đó, từ thực tiễn Di Linh, Phó Trưởng Phòng GDĐT Nguyễn Phước Bảo Cường kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục MN và giáo viên MN dân lập, tư thục trên địa bàn hoặc quy định chế độ chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục MN trên địa bàn tỉnh.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin