(LĐ online) - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm thiếu niên, nhi đồng và có tình yêu thương đặc biệt dành cho các cháu: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Trước lúc đi xa, Bác còn “để lại muôn vàn tình thương yêu” cho các cháu nhi đồng. Tình cảm, tư tưởng, đạo đức, tầm nhìn chiến lược của Bác dành cho các cháu là di sản vô giá để lại cho chúng ta.
|
Các em thiếu niên, nhi đồng được học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện. Ảnh: L.A |
Trước năm 1945, Bác rất đau xót và cảm thông trước cảnh thiếu nhi Việt Nam phải sống một cuộc đời cơ cực và chịu thiệt thòi về nhiều mặt: “Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng” và Bác hứa “Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hay Tết Trung thu, Bác đều viết thư cho các cháu. Những bức thư Bác gửi các cháu bao giờ lời lẽ cũng âu yếm, ân cần, giản dị, dễ nhớ, dễ làm theo; chứa đựng tình yêu thương sâu sắc, thắm thiết của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng.
Không chỉ gửi gắm tình cảm qua mỗi bức thư, bài thơ, lời căn dặn mà Bác còn khẳng định vai trò của thiếu nhi Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà: “Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tuỳ theo sức của mình”.
Nhân ngày khai trường đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Người đã gửi thư cho học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai: “Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Từ ý thức sâu săc về tương lai đất nước tùy thuộc vào thiếu niên, nhi đồng, nên Bác Hồ đã rất chú trọng đến công tác chăm sóc, giáo dục các cháu, coi đó là một trong những nhân tố rất quan trọng và là một yêu cầu, nhiệm vụ mang tính cấp thiết.
Sở dĩ Bác đặt ra tính cấp thiết phải giáo dục thiếu niên, nhi đồng và coi đó nhân tố rất quan trọng là bởi xuất phát từ tình thương yêu vô hạn đối với thiếu niên, nhi đồng và tầm nhìn chiến lược của Bác về vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng đối với tương lai đất nước. Bác nói: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.
Cũng chính từ nhận thức đúng đắn, mà Bác đã căn dặn cha mẹ, các cấp, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”; “giáo dục trẻ em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.
Về việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác không dừng lại ở những lời khuyên bảo chung chung, mà nêu rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục các cháu một cách đầy đủ, cụ thể. Theo Bác, mục tiêu là giáo dục các cháu trở thành những người: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Nội dung giáo dục phải đảm bảo tính khoa học và toàn diện, cả đức và tài: “Yêu quý các em, chúng ta phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công. Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khoẻ và trí óc, thành những trẻ em có “4 tính tốt”: Hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà”.
Về phương thức giáo dục, Bác yêu cầu phải kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên) phải nêu gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng noi theo. Người nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.
Đối với bản thân các cháu thiếu nhi, Bác ân cần chỉ bảo một cách tỉ mỉ, cụ thể, chi tiết: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “Phải thật thà, dũng cảm”, “Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”… Đó là những lời sâu sắc, tâm huyết của một người cha, người ông dành cho con cháu.
Quán triệt và làm theo tư tưởng của Bác, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến chăm sóc, bảo vệ các quyền trẻ em. Hiến pháp, các bộ luật, các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể đã có những chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể, thiết thực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em về mọi mặt; tạo điều kiện, môi trường sống, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí cho các cháu ngày càng tốt hơn, khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước đã được thu hẹp...
Từ đó, các cháu đã có sự phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần. Hội đồng Đội các cấp đã tổ chức triển khai nhiều phong trào hoạt động thiết thực, ý nghĩa với những nội dung, cách làm đổi mới, đi sâu vào thực tế trải nghiệm tạo môi trường cho các em đội viên, thiếu nhi được học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Không phụ lòng quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể và khắc sâu lời dạy của Bác, các thế hệ nhi đồng Việt Nam đã không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”; tích cực xây dựng tổ chức đội vững mạnh, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng.
Những tấm gương tích cực trong học tập, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, có hiếu với ông bà, cha mẹ, hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, phù hợp với lứa tuổi của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước; những tấm gương “nghèo vượt khó” của các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đầy nghị lực và ý chí vươn lên ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi chịu nhiều tổn thất nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra... là những minh chứng hùng hồn thể hiện tấm lòng kính yêu Bác Hồ của thiếu niên, nhi đồng.
Trong bối cảnh của thế giới hiện nay, sự phát triển của quốc gia, dân tộc tùy thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Điều này đặt ra yêu cầu chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể và gia đình hãy bằng những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vê, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng tốt nhất. Bản thân các cháu thiếu niên, nhi đồng cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa lời Bác dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”; từ đó càng ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “cháu ngoan Bác Hồ”.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, xin nhắc lại lời căn dặn của Bác “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”; "Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”, để chúng ta thấm nhuần và cùng nhau thực hiện.
KHÁNH LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin