(LĐ online) - Chiều 1/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng chống thiên tai từ năm 2021 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2022.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 6/22 loại hình thiên tai. Trong đó, gồm 18 trận mưa lớn, 4 trận mưa đá, 1 trận lũ quét, 2 vụ sạt lở đất, 12 trận mưa lớn kèm lốc xoáy, 5 vụ sét đánh…, gây thiệt hại 1.784 ha cây trồng, 379 căn nhà, 20 ha nhà kính, nhà lưới, 1,2 ha ao cá, 708 con gia súc, gia cầm, ước tổng thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng. Đáng nói thiên tại trong năm 2021 đã làm 2 người chết, 2 người bị thương.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 4 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 2 đợt lốc xoáy, 1 vụ sét đánh, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã làm 1 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại 54 căn nhà, 4 trường học, 438 ha cây trồng, 2 ha nhà kính, 1 ha ao cá, 1 cầu giao thông…
Trong năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ hơn 102,3 tỷ đồng khắc phục thiên tai trên địa bàn. Trong đó, gần 90,5 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hơn 11,8 tỷ đổng nguồn Quỹ Phòng chống thiên tại tỉnh Lâm Đồng.
Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô, đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 109 tỷ đồng.
|
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống thiên tai |
Dự báo những tháng còn lại trong năm 2022, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trên diện rộng với cường độ cao, khó lường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát thiên tai chuyên dùng, mở rộng các trạm quan trắc khí tượng thủy văn; nâng cấp, sửa chữa công trình đảm bảo an toàn hồ đập; ưu tiên bố trí ngân sách xử lý sạt lở bờ sông, các khu vực trọng điểm xung yếu về thiên tai…
Sau khi nghe Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các sở, huyện, thành trong tỉnh báo cáo tình hình diễn biến thời tiết và công tác phòng chống thiên tai trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá cao những kết quả dự báo, nắm bắt thông tin, triển khai công tác hỗ trợ, khắc phục kịp thời hậu quả xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo những giải pháp phòng chống thiên tai hiệu quả hơn trong thời gian tới, trước mắt tập trung các phương án triển khai trong mùa mưa cao điểm kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022.
Cụ thể, duy trì trực 24/24 giờ từ cơ quan thường trực phòng chống thiên tại, tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh đến cơ sở, qua đó nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó hiệu quả. Với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, tuyến đường đèo thường sạt lở trong mùa mưa lũ như đèo Bảo Lộc, đèo chuối Đạ Huoai, đèo Khánh Vĩnh, đèo Đại Ninh, Đức Trọng… để có biện pháp chủ động ứng phó và khắc phục kịp thời sự cố xảy ra.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành trong tỉnh luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn với quyết tâm trong năm 2022 giảm thiểu thấp nhất hậu quả thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, vật nuôi của người dân trên địa bàn...
VĂN VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin