Bao giờ ''máy tính cho em''?

07:07, 06/07/2022
Năm học 2021 - 2022 kết thúc với nhiều nhiệm vụ hoàn thành là nỗ lực lớn của tỉnh Lâm Đồng và ngành Giáo dục, đào tạo trong bối cảnh “mục tiêu kép” với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tuy nhiên, “máy tính cho em” vẫn chưa thực sự đến với học sinh như mục tiêu của Chương trình. 
 
Đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh trao 2 tỷ đồng cho ngành GDĐT tại Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngày 14/1/2022
Đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh trao 2 tỷ đồng cho ngành GDĐT tại Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngày 14/1/2022
 
UBND TỈNH CHỈ ĐẠO RỐT RÁO
 
Tại Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 (ngày 15/9/2021) Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục, đào tạo trong bối cảnh vừa đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Tỉnh quyết định miễn học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn trong học kỳ I năm học 2021 - 2022 và người đứng đầu chính quyền Lâm Đồng chỉ đạo “Xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em” để vận động, trao tặng thiết bị giúp học sinh khó khăn có điều kiện học trực tuyến, tuyệt đối không để một học sinh nào không được học tập do hoàn cảnh khó khăn”. 
 
Để có hành lang pháp lý, ngày 17/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ký, ban hành Chỉ thị số 11, giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị; kịp thời đề xuất, kiến nghị để cấp thẩm quyền giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc… “Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, Sở GDĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo phát động của Thủ tướng Chính phủ; vận động các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ủng hộ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo…”, Chỉ thị 11 nêu rõ. 
 
Tại một văn bản khác (số 6701, ngày 20/9/2021) UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tham mưu tổ chức Lễ phát động ủng hộ Chương trình “sóng và máy tính cho em”. “Giao Sở GDĐT chủ trì, Sở Tài chính tham mưu thành lập Quỹ Hỗ trợ học sinh khó khăn để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí vận động từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương liên quan tổ chức khảo sát, thống kê cụ thể số lượng học sinh theo từng cấp học thuộc diện gia đình khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo) cần hỗ trợ máy tính để hỗ trợ kịp thời, đúng quy định”. UBND tỉnh cũng giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chuyển nguồn vận động tài trợ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2021 (của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và Công ty Cổ phần Golden City) sang Quỹ Hỗ trợ học sinh khó khăn để thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
 
CẦN SỚM GIẢI NGÂN VÀ HIỆU QUẢ 
 
Thời điểm tháng đầu năm học 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh có 85 trường tiểu học, 40 trường THCS và 34 trường THPT áp dụng dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình. Nhiều trường học phổ thông tại vùng sâu, vùng khó khăn, số lượng học sinh không có máy tính để học rất nhiều, có những trường khoảng 60 - 70% số học sinh không có thiết bị để học trực tuyến. Số lượng học sinh phổ thông thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo qua báo cáo các huyện, thành phố năm học 2021 - 2022 là 11.576 học sinh (3.995 diện hộ nghèo và 7.581 diện hộ cận nghèo). 
 
Nhiều ngành, địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hiệu quả lễ phát động ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ngành GDĐT đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh như: Ngân hàng Agribank Lâm Đồng hỗ trợ 23 máy tính bảng trị giá 100 triệu đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai hỗ trợ 20 máy tính bảng trị giá 100 triệu đồng; Hội Khuyến học tỉnh vận động hơn 100 triệu đồng; Công đoàn viên chức ngành Giáo dục huyện Đạ Tẻh vận động được 76 thiết bị di động mới, 19 thiết bị cho học sinh mượn và 108 sim 4G trị giá 180 triệu đồng. 
 
Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết, số tiền vận động thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh tổng cộng gần 4,39 tỷ đồng. Trong đó, cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục ủng hộ trên 2,36 tỷ đồng; MTTQ Việt Nam tỉnh ủng hộ hơn 2 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ đang được giữ trong tài khoản kho bạc Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh do Sở Tài chính quản lý. 
 
Các CSGD đã triển khai dạy học trực tiếp, tuy nhiên học sinh vẫn cần máy tính để tìm kiếm thông tin hỗ trợ việc học tập. Đặc biệt, đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù hoặc giáo viên nghỉ nhưng không có giáo viên dạy thay nên học sinh vẫn có thể học tập từ phòng học của giáo viên cùng môn đang dạy tại lớp khác, trường khác bằng hình thức học trực tuyến. Số lượng học sinh đang theo học tại các CSGD phổ thông thuộc đối tượng hỗ trợ rất nhiều. Sở GDĐT đã đề xuất UBND tỉnh phương án sử dụng kinh phí, giao Sở GDĐT thực hiện việc mua sắm và cấp phát. Cụ thể mua máy tính bảng, màn hình, sim, camera… Dự kiến 912 máy tính với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. Theo đó, sẽ phân bổ trung bình mỗi huyện, thành phố dự kiến hỗ trợ 76 máy và tổ chức cấp phát cho học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ theo thứ tự của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
 
MINH ĐẠO