Giáo dục thường xuyên thúc đẩy xã hội học tập

03:07, 07/07/2022
Phong trào Thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) có ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. 
 
Kiểm tra cuối học kỳ năm học 2021-2022 trong bối cảnh phòng, chống dịch tại Trung tâm GDTX tỉnh
Kiểm tra cuối học kỳ năm học 2021-2022 trong bối cảnh phòng, chống dịch tại Trung tâm GDTX tỉnh
 
NỀN TẢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HỌC TẬP 
 
Ở Việt Nam, nhiều chương trình hành động, nhiều văn bản để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; gần đây nhất là Chỉ thị số 19 của Thủ tướng về phát động các phong trào thi đua, thực hiện các chỉ tiêu do Đại hội Đảng khóa XIII đề ra trong bối cảnh mới, trong đó có thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Tiếp tục xây dựng XHHT dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (GDTX), liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục, đây là quan điểm chỉ đạo Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021. 
 
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh và 11 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện; 142 trung tâm học tập cộng đồng tại các huyện, thành phố; 104 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Cùng với đó, có 218 cán bộ quản lý và giáo viên công tác tại các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX. Năm 2020, “Cộng đồng học tập” cấp xã với 142/142 xã, phường, thị trấn có “Cộng đồng học tập”, trong đó 45,8% xếp loại Tốt; 42,3% xếp loại Khá và 12,7% xếp loại Trung bình, không có mô hình không xếp loại.Năm 2021, có 27 “Đơn vị học tập” xếp loại Tốt. Năm học 2021-2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở lớp, song ở Đam Rông mở được 1 lớp, Bảo Lâm mở được 4 lớp với tổng số khoảng 250 học viên hoàn thành xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ. Tính đến tháng 12/2021, 12/12 huyện, thành phố được tỉnh công nhận đạt xóa mù chữ mức độ 2. Đây là những nền tảng để tiếp tục duy trì, củng cố, phát huy và phát triển một XHHT đạt hiệu quả và chất lượng. 
 
CÁC TRUNG TÂM PHẢI LÀ HẠT NHÂN
 
Tại 12 trung tâm GDTX, GDNN-GDTX, năm học 2021-2022 đã đạt nhiều kết quả thực hiện các chương trình giáo dục. Các trung tâm đã tăng cường thực hiện đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học viên. Trong năm học, cấp THCS có 1 lớp 8 với 22 học viên; cấp THPT có 60 lớp với 2.041 học viên. Riêng số mới tuyển vào lớp 10 được 24 lớp với 921 học viên. 100% giáo viên tại các đơn vị đã có kế hoạch và hoàn thành việc tự bồi dưỡng theo từng năm học. 
 
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm từng bước được tỉnh quan tâm đầu tư, một số trung tâm GDNN-GDTX tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng phòng học, phòng dạy nghề như Bảo Lộc, Di Linh, Lạc Dương. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Quang Long, các trung tâm có hệ thống phòng học, nhà điều hành cao tầng, trong đó có 24 phòng máy tính, 100% đơn vị có phòng học nghề, 44 phòng đảm bảo trang thiết bị dạy văn hóa và dạy nghề. Số máy vi tính được trang bị tương đối đầy đủ nhu cầu dạy và học; đáp ứng kịp thời công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp, chú trọng thực hành các nội dung hướng nghiệp, dạy nghề. 
 
Riêng Trung tâm GDTX tỉnh, năm học 2021-2022 đã duy trì sĩ số đạt 94,2% (451/479 học sinh), trong đó, THCS đạt 68,8 % (22/32 học viên), THPT đạt 96% (429/447 học viên). Kết quả THCS, 100% học viên đạt hạnh kiểm Tốt, Khá và 95,5% học lực từ Trung bình trở lên; THPT có 99,5% hạnh kiểm Tốt, Khá, không có học viên hạnh kiểm Yếu và 65,8% học lực từ Trung bình trở lên. Giám đốc Trung tâm Trần Văn Thảo cho biết: “Tỷ lệ duy trì sĩ số năm học này cao hơn năm trước, riêng bậc THCS giảm do học sinh thường xuyên di chuyển. Năm học này Trung tâm đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyển sinh khối GDTX như liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Quốc Việt”. Trung tâm còn mở được 75 lớp giáo dục nghề phổ thông với 3.021 học sinh, mở tại đơn vị và phối hợp với các trường phổ thông như Dân tộc nội trú tỉnh, THPT Bùi Thị Xuân, THCS&THPT Chi Lăng; liên kết đào tạo 5 lớp với 375 học viên. Trung tâm GDTX tỉnh tự đánh giá kiểm định chất lượng năm học 2020-2021 đạt 19/24 tiêu chí, bằng 79,16%; đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2. Đây là nỗ lực với nhiều giải pháp của đơn vị này. 
 
Có thể nói, năm học 2021-2022, ngành học GDTX Lâm Đồng đã triển khai, tổ chức thực hiện và đạt một số kết quả về các hoạt động xây dựng XHHT. Từ cơ sở được đẩy mạnh; hệ thống, mạng lưới GDTX được quan tâm củng cố, kiện toàn; thực hiện quy chế, đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục tiếp tục chú trọng, chất lượng duy trì ổn định; kết quả xóa mù chữ giữ vững; đặc biệt các trung tâm học tập cộng đồng điểm được quan tâm và đầu tư đúng mức. 
 
Để GDTX thực sự được khẳng định và phát huy vai trò, cần tiếp tục khắc phục những khó khăn và tồn tại. Song song với nâng cao chất lượng đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của các trung tâm cần đáp ứng yêu cầu và nhu cầu. Với trung tâm học tập cộng đồng, đó là kỹ năng tác nghiệp, nhận thức, tâm huyết của cán bộ quản lý; chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo của các cơ quan quản lý. Việc tổ chức các lớp học, chuyên đề cần sát với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của người dân…
 
MINH ĐẠO