Hào hùng một thời binh lửa

07:07, 06/07/2022
Chiến tranh đã qua gần non nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí của những chiến sĩ anh dũng lên đường bảo vệ Tổ quốc năm xưa, ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn in đậm. Thời gian đã không khiến những dấu mốc hào hùng, oanh liệt phôi pha mà những chiến công, cống hiến, hy sinh của các anh lại càng được mài sáng, để rồi soi rọi lý tưởng cho thế hệ mai sau.
 
Ông Kiền say sưa kể về trận đánh đồn Vàm Đình
Ông Kiền say sưa kể về trận đánh đồn Vàm Đình
 
Bên chén chè nóng hổi, sau cơn mưa bất thường một buổi sáng ở thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), ông Kiền hồi tưởng, kể về một thời bom đạn chống Mỹ cứu nước, về chặng đường hành quân xẻ núi chi viện miền Nam, về những trận đánh khốc liệt, phá tan đồn giặc, bắn phá máy bay, tiêu diệt kẻ thù, về tình yêu đất nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.  
 
Dù đã gần tuổi 80, ông Kiền vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Có lẽ, sự rèn dũa trong bom đạn và gian khổ mà ông trải qua đã tôi luyện nên một con người bền bỉ và sắc bén. Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đình Kiền - quê Thanh Cát, Thanh Chương, Nghệ An - đã được Nhà nước trao tặng 9 huân chương và nhiều giấy khen, bằng khen các loại, trong đó có 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba... vì những cống hiến của mình. 
 
22 tuổi, đang làm thư ký cho Hợp tác xã của bộ đội sản xuất, được triệu tập nhập ngũ, ông vội vã hoàn thành công việc và bàn giao lại cho đồng đội trong đêm để lên đường ngay sáng hôm sau. 
 
Trong cái se lạnh của buổi sáng sớm mùa thu, tháng 10 năm 1964, một tốp thanh niên cùng tập kết bên bến đò Già, sông Lam (Thanh Chương, Nghệ An) tiến về miền Nam hợp sức đánh Mỹ. Trên bến thuyền nhuộm vàng của bình minh vừa ló và ánh mắt dõi theo của người ở lại, đoàn quân vội vã lên thuyền và tiến về phía trước. 
 
Tới Tuyên Hóa, ông được phân công về Tiểu đoàn Vận tải, Trung đoàn 95A, Sư 325, xẻ dọc Trường Sơn chi viện miền Nam. Hành trình hơn 2 tháng vượt sông sâu, núi cao, thác ghềnh, thời tiết khắc nghiệt… hơn ba nghìn quân, mỗi người vác trên vai hơn 30 kg hành trang, phần lớn là súng, đạn, quân dụng… một cái chăn, hai bộ quần áo bà ba, hai bộ Pathet Lào, thuốc sốt rét, thuốc lọc nước và muối dự trữ. 
 
Suốt hành trình vượt rừng, máy bay địch liên tục lùng sục, truy quét, rải truyền đơn hòng làm nhụt ý chí tiến quân của bộ đội ta. Đêm nghỉ, ngày đi, 10 ngày nghỉ 1, hai tháng sáu ngày đoàn đến và đón tết tại Gia Lai với khoai và sắn. Từ đó đến năm 1973, ông Kiền trực tiếp tham gia hơn 100 trận đánh, chỉ huy đơn vị diệt hàng nghìn tên địch, riêng ông đã diệt 130 tên, thu 15 súng các loại, bắn rơi 4 máy bay. Trong đó có những trận đánh oanh liệt, làm cho địch khiếp sợ. 
 
Như trận đánh chớp nhoáng ở cầu Ngân Sơn (Tuy An, Phú Yên) năm 1967, ông Hoàng Đình Kiền chỉ huy tiểu đội chỉ trong một đêm, diệt gọn một trung đội địch. Cũng tháng 9 năm đó, ông dùng 6 kg bộc phá đánh sập lô cốt địch (Tuy An) để mở trận địa cho đồng đội tiến vào. Giữa mưa bom, bão đạn, ông lấy thân mình đè lên trùng trùng thép gai để cho đồng đội giẫm lên mà vượt rào. Thương tích đầy mình, ông vẫn xông vào trận địa, diệt gọn 5 tên, bắt sống một tên và thu một khẩu súng. 
 
Năm 1970, ông gia nhập Binh chủng Đặc công, vòng qua Campuchia về chiến trường miền Tây Nam Bộ. Vừa đến Cà Mau thì bị bất ngờ tập kích, ông tỉnh táo chỉ huy Đại đội 3 đánh địch chạy tan tác - tiêu diệt 25 tên địch, thu một máy thông tin PRC25, một khẩu súng ngắn. Riêng ông bắn rơi một máy bay địch chỉ bằng súng AK. Cũng trong năm đó, ông chỉ huy Đại đội Đặc công bí mật lẻn vào đồn Vàm Đình (Cà Mau), lấy đại liên, súng cối và nhiều khẩu AR15 khác đưa ra trước khi tiêu diệt toàn bộ Đội Bảo an của địch. Và rất nhiều trận đánh oanh liệt khác... 
 
Ngày 23/9/1973, khi mới tròn 28 tuổi, chiến sĩ trẻ Hoàng Đình Kiền đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. 
 
Trong suốt thời gian chiến đấu, Hoàng Đình Kiền bị thương nhiều lần nhưng vẫn kiên trì bám chiến trường, bám đơn vị, vững lý tưởng… cho đến ngày thống nhất đất nước. Chiến tranh khép lại, một trang sử mới của đất nước mở ra. Những hào hùng, oanh liệt của thế hệ trước vẫn luôn là mạch nguồn mạnh mẽ, đầy tự hào và thôi thúc thế hệ trẻ - những người tiếp nối lịch sử tiếp tục chiến đấu, cống hiến và sáng tạo trên các mặt trận bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, và khoa học kỹ thuật để đưa đất nước phát triển, khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế ….
 
NHẬT QUỲNH