Ở Lâm Hà, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn các xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
|
Việc ban hành và thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn |
Hương ước, quy ước được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của mỗi cộng đồng dân cư; là tri thức dân gian được tích lũy, đúc kết từ nhiều thế hệ, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và trở thành văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Nhân dân.
Đó cũng là điều mà từ ngày sinh sống trên mảnh đất cao nguyên, ông Đỗ Văn Hội - Trưởng Thôn 1, xã Mê Linh luôn cố gắng cùng với bà con Nhân dân nỗ lực thực hiện.
Dẫn chúng tôi đi trên trục đường chính của thôn trải dài hơn 6km, ông Hội không khỏi tự hào giới thiệu những vườn cây trái, nhà kính trồng rau hoa giữa bạt ngàn cà phê xanh tốt. Xen lẫn là những mái nhà khang trang giữa vườn hoa, cây cảnh của một cùng quê yên bình và ngày một giàu đẹp.
“Thôn 1 được chọn phát triển Mô hình Không có tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội - an toàn giao thông của xã. Ban Nhân dân thôn chúng tôi cũng xác định việc tuyên truyền để bà con hiểu rằng, ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, mọi người dân trong thôn cần có trách nhiệm bảo vệ công trình công cộng của thôn, chủ động tham gia đóng góp cùng Nhà nước xây dựng các công trình như đường giao thông, thắp sáng đường quê, xây nhà sinh hoạt cộng đồng... Nhất là trong cuộc sống giữa người với người luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm”, ông Hội chia sẻ.
Không chỉ Thôn 1, xã Mê Linh, mà ở hầu hết các thôn trên địa bàn huyện Lâm Hà, hương ước, quy ước được đưa ra thảo luận thông qua các buổi họp, được sự ủng hộ, thống nhất cao của bà con Nhân dân. Từ đó, Ban Điều hành thôn tổng hợp ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung và tổ chức xây dựng dự thảo quy ước, được cụ thể hóa bằng những tiêu chí cụ thể như: đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái, thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, xây dựng tình làng nghĩa xóm; tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; chăm sóc sức khỏe tốt, ăn, ở hợp vệ sinh; tích cực trồng cây xanh, hoa bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch đẹp; bỏ rác đúng thời gian, địa điểm quy định...
Theo bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động gắn với xây dựng, ký kết thực hiện quy ước đã nâng cao nhận thức, làm chuyển biến ý thức trách nhiệm “mình vì mọi người” trong cộng đồng, từ đó chất lượng của phong trào càng được nâng lên, số thôn, tổ dân phố (TDP), cơ quan, đơn vị đạt thôn, TDP văn hoá, gia đình văn hoá năm sau cao hơn năm trước. Các phong trào thi đua yêu nước đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng và được cả xã hội quan tâm. Từng thôn, TDP, cơ quan đã đăng ký xây dựng thôn, TDP, cơ quan văn hoá hàng năm. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký xây dựng quy ước, hương ước được chú trọng, công tác đánh giá để xét công nhận thôn, TDP, cơ quan văn hoá được duy trì, đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí mới phù hợp với tình hình thực tế.
Việc triển khai thực hiện tốt quy ước thôn, TDP là cơ sở để Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn, Ban Nhân dân các thôn, TDP căn cứ để bình xét, phân loại, đánh giá và đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa. Đến nay, có 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 14 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 174 TDP văn hóa (98%), 34.580 hộ đạt gia đình văn hóa (93%), 166 TDP có nhà sinh hoạt cộng đồng, khu hoạt động thể thao...
HỒNG THẮM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin