(LĐ online) - Chiều 6/7, tại Đà Lạt, Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện.
|
Hiệu trưởng hai trường đại học trao văn bản ký kết hợp tác |
Lễ ký kết có sự tham gia của lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị của hai trường. Phía Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có TS. Nguyễn Thị Minh Hồng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng, cùng các thành viên. Phía Trường Đại học Đà Lạt có TS. Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng; ThS Trần Thống - Phó Hiệu trưởng; cùng các thành viên.
Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Đà Lạt hiện là hai trung tâm giáo dục đại học có nhiều thành tựu và bề dày kinh nghiệm về giáo dục và nghiên cứu khoa học với đội ngũ cán bộ, giảng viên có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ…; trong đó, có nhiều người là chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Cùng đó là nhiều sự tương đồng trong chiến lược phát triển để trở thành Đại học với các trường đại học thành viên.
Vì vậy, qua thảo luận, mục tiêu của hai bên hướng đến là tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học; liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của hai trường. Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tập thể thuộc hai cơ sở giáo dục đại học giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ.
Trên cơ sở này, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Đà Lạt đã thống nhất các nội dung hợp tác, bao gồm: Tổ chức các đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa hai đơn vị trong công tác quản trị đại học trên các phương diện; vận hành cơ chế tự chủ; quản lý tài chính bằng công nghệ thông tin; quản lý học tập trực tuyến; tổ chức hội nghị giữa các chuyên gia của hai trường nhằm phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng; hợp tác trong công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn hiện hành; hợp tác trong công tác tuyển sinh, nhất là cùng khai thác, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Hai bên sẽ thực hiện chương trình trao đổi giảng viên, tổ chức các buổi hội thảo, giảng dạy và tư vấn cho người học; phối hợp xây dựng, phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên trong và ngoài khuôn khổ Chương trình ETEP; phối hợp xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học, chương trình đào tạo sau đại học tại khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ; phối hợp xây dựng, thẩm định và tổ chức đào tạo các học phần cho sinh viên chính quy, chương trình bồi dưỡng có liên quan đến chuyên môn của hai bên và các chương trình bồi dưỡng khác theo thẩm quyền như: Các chương trình bồi dưỡng về quản lý giáo dục, quản trị trường học, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sống - giá trị sống, chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên và các chương trình bồi dưỡng khác.
Đồng thời, hai nhà trường sẽ phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia, hội thảo quốc tế về đào tạo và bồi dưỡng về y tế cộng đồng, tâm lý lâm sàng, tâm thần kinh, chăm sóc sức khoẻ tâm thần; trao đổi chuyên gia tham gia các buổi hội thảo về khoa học liên ngành y học – tâm lý... cho giảng viên, sinh viên của hai trường; trao đổi hoạt động để tiếp tục phát triển chất lượng của Tạp chí Khoa học…
Sau lễ ký kết, nhiều lĩnh vực được gợi ý hợp tác ngay trong 6 tháng cuối năm 2022. Lãnh đạo hai trường đã giao các đầu mối cùng các phòng chức năng, các khoa chuyên môn tiếp tục hiện thực hóa nội dung hợp tác nhằm đạt được những kết quả như mục tiêu đã đề ra.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin