Người thương binh ''tàn nhưng không phế''

12:07, 27/07/2022
Vượt lên những mất mát, đau thương từ cuộc chiến chống tổ chức phản động Fulro trên địa bàn Tây Nguyên, với lý tưởng cách mạng cao đẹp, thương binh Ya Trang Bon Ánh (tổ dân phố B’Nơr A, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) luôn tận tâm, tận lực cống hiến cho sự phát triển của quê hương, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
 
Thương binh Ya Trang Bon Ánh
Thương binh Ya Trang Bon Ánh
 
Chúng tôi hẹn gặp ông Ya Trang Bon Ánh tại nhà riêng vào dịp cuối tuần khi ông tập tễnh đi vận động bà con trong tổ dân phố tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 về. Tuy đã 70 tuổi, nhưng người thương binh dân tộc Churu vẫn nhớ như in những tháng ngày tham gia chống Fulro. 
 
Theo câu chuyện kể của ông, chúng tôi - thế hệ trẻ không sinh ra trong chiến tranh, không biết nhiều về Fulro vẫn có thể mường tượng ra sự khốc liệt, gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu với tổ chức phản động này. Ông Bon Ánh sinh ra và lớn lên ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, sau giải phóng, ông lập gia đình với cô gái dân tộc K’Ho ở huyện Lạc Dương và chuyển về đây sinh sống. Thời điểm năm 1977, khi tổ chức phản động Fulro ra sức kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá chính quyền, trong buôn làng ông Bon Ánh sinh sống có nhiều người bị dụ dỗ đi theo thì ông vẫn quyết tâm tham gia cách mạng. Khi đó, ông là cơ sở mật của Công an huyện Lạc Dương, vừa là Phó Trưởng thôn và Tổ trưởng quản lý vườn ươm lâm nghiệp của huyện. “Tôi cũng bị lôi kéo theo Fulro như nhiều người trong làng, nhưng bản thân nhận thấy đây là tổ chức chống đối cách mạng nên nhất quyết không theo. Tôi biết rằng, khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã được Đảng, Nhà nước giáo dục, chỉ đường dẫn lối làm ăn nên quyết tâm tham gia cách mạng để góp phần xây dựng buôn làng, địa phương”, ông chia sẻ.
 
Bởi không lôi kéo được ông và biết ông đi theo cách mạng nên lực lượng Fulro đã phục bắt, định thủ tiêu nhưng ông thoát được. Mạng sống giữ được nhưng viên đạn của chúng đã làm một chân ông thương tật vĩnh viễn. Vì bị thương, cuộc sống khi đó lại quá khó khăn do vợ vừa làm ruộng vừa chăm con nhỏ nên ông về Đơn Dương để nhờ gia đình, họ hàng chăm sóc. Về đây, ông tiếp tục làm cán bộ thôn và đại biểu HĐND xã Tu Tra. Tuy nhiên, ông vẫn bị Fulro tiếp tục theo dõi để thủ tiêu. Không bắt được ông, chúng đã rình bắt và giết chết cha ông, cùng với đó, chúng truy quét ngôi làng Tu Tra và bắn chết người em rể của ông. Trước tình hình đó, ông trở về Lạc Dương, nghe theo lời khuyên “không hận thù bởi những việc Fulro gây ra”, ông tham gia phong trào kêu gọi những người lầm đường lạc lối theo Fulro trở về. Và đến tận hôm nay, khi đối mặt với người đã bắn mình hiện đang sống tại địa phương, ông vẫn không căm ghét, thù hằn...
 
Khi không còn “bóng ma” Fulro, ông lại tiếp tục tham gia xây dựng địa phương phát triển. Ông từng là đại biểu HĐND xã Lát, đại biểu HĐND huyện Lạc Dương, Bí thư Đảng ủy xã Lát, cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Dương. Có thời gian ông về làm đại biểu HĐND xã Tà Hine (huyện Đức Trọng). Khi nghỉ công tác, nhiều năm liền ông là Phó Bí thư Chi bộ Tổ dân phố B’Nơr A. Ở bất cứ vị trí nào, ông cũng luôn gương mẫu và giữ lý tưởng cách mạng cao đẹp, tận tâm cống hiến cho công việc. Ở cái tuổi thất thập, người đảng viên 35 năm tuổi đảng này vẫn luôn tích cực và vận động gia đình, bà con làng xóm tham gia các phong trào do địa phương, nơi cư trú phát động như hiến đất làm đường, đóng góp các loại quỹ, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn... Là một thương binh mang trên mình nhiều thương tật, nhưng với ý chí, bản lĩnh của một người từng trải qua bao khó khăn gian khổ trong cuộc chiến chống Fulro, bản thân ông luôn phát huy tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế” để cố gắng, nỗ lực làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái có công ăn việc làm ổn định. 
 
Nhận xét về thương binh Ya Trang Bon Ánh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Dương Bùi Văn Thụy cho biết: “Ông Bon Ánh là một người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Bản thân ông là thương binh hạng 3/4 nhưng rất tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người dân chấp hành và thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa”.
 
VIỆT HÙNG