Lâm Đồng ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt

01:07, 04/07/2022
(LĐ online) - Ngày 4/7, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
 
Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy chuyển đổi số
Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy chuyển đổi số
 
Theo UBND tỉnh, mục tiêu chung là tiếp tục duy trì, thúc đẩy các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phòng áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai.
 
Các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng hiệu quả, đảm bảo duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng địa phương, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn. 
 
Xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm triển khai kịp thời, phối hợp chặt chẽ, có sự tham gia của toàn xã hội nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra.
 
Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2022, 100% trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 50% trường học, cơ sở giáo dục lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác; 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thanh toán viện phí, phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
 
Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ 50%.
 
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, các nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án liên quan đã được phê duyệt. Nguồn xã hội hóa, nguồn kinh phí tự cân đối, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng tham gia kế hoạch.
 
UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu đề ra tại kế hoạch này; chủ trì hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong toàn ngành, địa phương; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả; tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại các trường học, cơ sở y tế theo phân cấp...
 
C.THÀNH