D’Ran, thị trấn nhỏ của huyện Đơn Dương nằm nép giữa cao nguyên Lang Biang hùng vĩ và dòng Đa Nhim hiền hòa, nơi đặt dấu chân của những người mở đất, với những vườn hồng, vườn cà phê xanh mát. Giữa mảnh đất D’Ran thơ mộng, Phan gia trang lưu giữ lại những kí ức về một thời xưa cũ. Và cả những hi vọng vào một D’Ran hôm nay.
|
Cụ Phan Thu bên góc sân vắng tại Phan gia trang |
Cụ Phan Thu là một trong những người cao niên đã tới, xây dựng đất Quảng Lạc, D’Ran từ những ngày khá xa xưa. Ở tuổi 81, người đàn ông già gốc Điện Bàn, Quảng Nam còn nhớ như in tuổi thơ của mình trên mảnh đất D’Ran. Ngoài khu trung tâm được xây dựng và có dân cư ở đông đúc, các khu khác gần núi hoàn toàn là rừng le, rừng sậy. Gia đình cụ Thu sống ngay Quảng Lạc, khi ấy xung quanh là bãi le, bãi sậy. Gia đình chặt tre làm vách, cắt le làm mái. D’Ran thuở ấy lạnh thấu xương, nhà trống vách hở, cả gia đình chống cái lạnh bằng đống lửa lớn được đốt giữa nhà mỗi đêm. Động rừng, beo, khỉ, thú rừng hú ào ào bên ngoài. Trên mảnh đất ấy, người D’Ran dùng cuốc đào từng gốc cỏ, đánh từng hòn đá, trồng cây hồng, cây mì, cây chuối, tạo nên hình hài D’Ran như hôm nay.
Và kí ức ấy không thể quên được trong lòng cụ Phan Thu. Một D’Ran vừa gian khổ vừa hiền hòa. Một D’Ran nhỏ xinh đẹp như hôm nay. Và Phan gia trang gia đời. Cụ mong mỏi mời mọi người tới, nằm giữa khu vườn xinh đẹp, nghe gió thổi ào ào qua tán sầu riêng, tán hồng. Nằm ngay tổ dân phố Quảng Lạc, Phan gia trang là ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn nằm giữa khu vườn rộng lớn, với những cây trái điển hình của xứ cao nguyên, những gốc hồng, gốc bơ, gốc chuối và đâu đó, vài cây sầu riêng cao vút. Ngôi nhà gỗ hoàn toàn được bảo tồn từ ngôi nhà cũ, nơi ông bà Phan Thu nuôi 7 người con trưởng thành. Ngôi nhà điển hình kiến trúc D’Ran xưa cũ, được làm từ những phiến gỗ thông, với nền cao và mái thấp thấp, có hàng hiên rộng để gia đình ngồi uống trà chiều chiều.
Và, mong mỏi lưu giữ lại những kí ức, quanh nhà, cụ Phan Thu sưu tầm rất nhiều đồ cũ. Từ gốc cây khô, cái vại cũ, cái cối đá, cái cày, cái bừa ngày xưa từng cày đất D’Ran cho tới những bộ gùi, ché, rổ của bà con K’Ho sống trong vùng. Ngôi nhà mang đầy đủ dáng nét của một gia trang đơn giản, giữ đậm chất ngôi nhà quê xứ núi. Một góc nhỏ đầy lưu luyến, giản dị mà thấm đẫm hồn cốt D’Ran. Cụ Phan Thu chưa đón khách tham quan thu phí nhưng có khách lạ tới Phan gia trang, cụ vẫn vui vẻ mời khách li cà phê, chén nước trà, cùng khách thăm vườn, nghe tiếng con chim sâu lích rích, cùng ngồi dưới hàng hiên hàn huyên về D’Ran xưa.
Anh Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran chia sẻ, cụ Phan Thu là một lão nông cao niên của xứ D’Ran. Dù ngoài 80 nhưng cụ vẫn lao động hăng say, xây dựng Phan gia trang xinh đẹp, là một điểm tham quan- du lịch nghỉ dưỡng nhà vườn tương lai của D’Ran. Đặc biệt, hai cụ đã dựng xây, vun đắp nên gia đình hiếu học nổi tiếng của D’Ran, đã nuôi 7 người con trưởng thành, đều là những người có học vấn, có đóng góp với xã hội. Một trong những người con của cụ là bác sĩ Phan Trung Hiếu - Bệnh viện Chợ Rẫy, người đã góp phần “chế” thành công đồng hồ và bộ chia ô xy từ một bình ra nhiều van thở, chia ô xy tới mũi nhiều bệnh nhân cùng lúc trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh và đồng nghiệp đã góp phần giúp nhiều bệnh nhân được thở oxy đúng lúc, thoát khỏi nguy kịch. Bác sĩ Hiếu cũng lớn lên từ Phan gia trang, đi học tại mái trường tiểu học, trung học D’Ran và cũng tha thiết yêu mảnh vườn quê, nơi cha mẹ tần tảo nuôi anh khôn lớn. Xây dựng Phan gia trang, lưu giữ lại kí ức tuổi thơ đẹp cũng có sự đóng góp của người bác sĩ bận rộn này.
Ghé Phan gia trang vào một trưa nắng, ngồi hiên nhà uống li trà, ngắm những cảnh vật xưa cũ hiển hiện trước mắt, có lẽ nhiều người mong mỏi vào những giây phút nhẹ nhàng như thế. Như nét xưa cũ, như khoảnh khắc tâm hồn tìm lại góc nhỏ đơn sơ giữa vườn quê vắng.
DIỆP QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin