(LĐ online) - Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát mạnh trên cả nước. Trước thực trạng đó, ngành Y tế Lâm Đồng đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống.
|
Trung tâm Văn Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Cát Tiên thực hiện tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết bằng xe lưu động |
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 1.355 ca bệnh sốt xuất huyết, số ca bệnh tập trung cao tại các địa phương như TP Bảo Lộc 307 ca, Di Linh 268, Lâm Hà 128 và huyện Đạ Tẻh 211 ca...
Tại Huyện Đạ Tẻh, tính đến ngày 27/7, số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn là 211 ca, chiếm tỷ lệ 16% số ca bệnh của toàn tỉnh. Tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn có chiều hướng gia tăng do công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, thách thức như bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh; chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát; công tác phun hóa chất xử lý ổ dịch chưa thường xuyên, triệt để. Bên cạnh đó, nhận thức của một số người dân về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết còn chủ quan.
Trước tình hình trên, UBND huyện Đạ Tẻh đã ban hành văn bản chỉ đạo và kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Ông Đinh Viết Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Nhằm khống chế, không để dịch bùng phát trên địa bàn, không để tử vong do sốt xuất huyết, UBND huyện Đạ Tẻh đang đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi, tập huấn, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng với nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và thói quen thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, huy động sự tham gia tích cực của cá nhân, cộng đồng thực hiện các giải pháp như: giảm nguồn sinh sản của muỗi bằng biện pháp xử lý dụng cụ chứa nước, loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy), sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi, phòng muỗi đốt, xua muỗi, diệt muỗi.
|
Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên thực hiện phun hóa chất, xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn |
UBND huyện Đạ Tẻh chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát và xử lý 100% ca bệnh; thực hiện đúng hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết; xử lý bằng biện pháp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các ổ dịch sốt xuất huyết, tại các thôn, tổ dân phố có nhiều ca bệnh…
Trong khi đó, tại huyện Cát Tiên, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 29/7, toàn huyện ghi nhận 36 ca bệnh, phân bố tại 7 xã. Ông Trần Dương Ngọc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên cho biết: Đến nay, Trung tâm đã xử lý 17 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết; trong đó có 9 ổ vừa diệt lăng quăng và phun hoá chất; 8 ổ diệt lăng quăng và triển khai 1 đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng. Để ngăn chặn tốc độ lây lan dịch bệnh, đặc biệt không để dịch chồng dịch, Trung tâm Y tế huyện đã đề xuất, kiến nghị các ban ngành, đoàn thể phối hợp cùng đơn vị triển khai đồng loạt các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai làm sạch môi trường, loại bỏ lăng quăng, thường xuyên kiểm tra, giám sát tuyên truyền vận động các cơ sở, người dân thực hiện các biện pháp loại bỏ lăng quăng.
Theo ông Trần Dương Ngọc, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì người dân cũng cần phải tự áp dụng các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, như: ngủ màn, diệt muỗi, diệt lăng quăng và tích cực tham gia hoạt động thu gom phế liệu, phế thải, thả cá vào các bể chứa nước, bể cảnh; đồng thời, chủ động thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết để phối hợp xử lý kịp thời.
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin