Xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng: Từ chủ trương đến thành quả

07:07, 06/07/2022
Lâm Đồng có trên 60% dân số sống tại nông thôn và tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm 45,7% tổng GRDP. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã vẽ nên một bức tranh đầy tươi sáng cho vùng nông thôn của tỉnh. 
 
Là tỉnh có phần lớn người dân sống ở nông thôn, xuất phát điểm để bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), trừ thành phố Đà Lạt ra, thì 11 địa phương còn lại của tỉnh đều có rất nhiều hạn chế về nguồn lực trên nhiều lĩnh vực; nhưng với quyết tâm chính trị cao cùng với sự đồng thuận và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới - nên sau gần 12 năm nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.
 
Quang cảnh nông thôn Cát Tiên
Quang cảnh nông thôn Cát Tiên
 
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG VÀ HIỆN ĐẠI
 
Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng được chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã NTM, đó là xã Tân Hội, huyện Đức Trọng. Thời điểm ấy, không riêng xã Tân Hội mà với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đây được coi là sự kiện trọng đại và đáng tự hào bởi đã được Trung ương đặt niềm tin chọn để xây dựng mô hình thí điểm cho cả nước. Sự kiện này cũng chính là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tự tin và nỗ lực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh. Những kết quả đầy triển vọng đạt được từ mô hình ở xã Tân Hội cùng những kinh nghiệm, bài học rút ra, sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và việc ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng đúng hướng, tạo ra một Phong trào thi đua Xây dựng NTM cực kỳ sôi nổi. 
 
Giai đoạn đầu, tỉnh tập trung huy động nguồn lực để xây dựng NTM lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng hiện đại, phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được tỉnh phát động nhận được sự tham gia sôi nổi của chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân. Từ đây, nhiều địa phương đã có các cách làm sáng tạo hiệu quả, phát huy được sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, trọng tâm và bước đột phá mạnh mẽ nhất phải kể đến Nghị quyết số 05 ngày 11/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; mở rộng liên kết sản xuất... Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh mẽ; cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái trong tỉnh; đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung về cây công nghiệp, rau, hoa với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. 
 
Giai đoạn 2009 - 2020, theo đánh giá của Trung ương, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Ðồng đạt được nhiều thành tựu, trở thành tỉnh duy nhất của Tây Nguyên có 2 huyện là Đơn Dương và Đức Trọng đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Đơn Dương sau đó là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án Mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, hai địa phương là thành phố Ðà Lạt và thành phố Bảo Lộc cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 
 
ĐỀ CAO GIÁ TRỊ VĂN HÓA, HỒN CỐT CỦA NÔNG THÔN
 
Quan điểm xây dựng NTM xuyên suốt các giai đoạn là xây dựng NTM phải mang tính bền vững trên nền tảng chủ thể là nông dân. Mà muốn nông thôn bền vững thì ngoài những giá trị về kinh tế nông thôn, chất lượng và môi trường sống của người nông dân ở nông thôn cũng phải được quan tâm và tăng lên tỷ lệ thuận với mức sống theo từng giai đoạn. Chính vì vậy, vấn đề văn hoá, hồn cốt của nông dân cũng được quan tâm, gìn giữ, xây dựng và phát huy. Tư duy của các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình lãnh chỉ đạo cũng đi theo hướng là nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ song hành với xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của vùng nông thôn, xây dựng Mô hình “Làng đô thị xanh” tại các khu dân cư nông thôn. Bà con nông dân ở nhiều vùng quê bây giờ tự hào rằng, tiện ích cuộc sống của họ đang dần tiệm cận với tiện ích của đô thị, nhưng hồn cốt của nông thôn vẫn được gìn giữ, đó là không gian sống và không gian sản xuất đậm chất nông thôn, tình làng nghĩa xóm chan hoà đậm nét theo từng vùng, từng địa phương đã được hình thành từ bao đời nay. 
 
Đến với hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hôm nay, chắc chắn nhiều người sẽ bất ngờ về sự đổi thay. Không chỉ đường sá khang trang, sạch đẹp mà tư duy của bà con cũng thay đổi mạnh mẽ. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về với một số xã ở huyện Cát Tiên thời gian này là những con đường hoa, những cảnh quan ở vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và rực rỡ sắc màu, đường bê tông rộng và chắc chắn uốn lượn bên những vườn trái cây, những ruộng lúa được bà con đầu tư và quy hoạch chăm chút đẹp đến ngỡ ngàng.
 
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Với tinh thần lấy nông dân làm chủ thể, lấy nông nghiệp công nghệ cao là trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và đạt được nhiều thành tựu đã củng cố thêm niềm tin và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình đều vượt trội so với khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, Lâm Đồng có 106/111 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và 27 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
 
Có thể khẳng định rằng, công cuộc xây dựng NTM tại Lâm Đồng đang đi đúng hướng, kết quả đạt được đã bao trùm, bao phủ toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như mọi mặt của đời sống. Thành quả ấy là minh chứng rõ nét, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền đã hợp lòng dân, góp phần làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn.
 
NGUYỄN NGHĨA