Tháng 6 vừa qua, huyện Cát Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là “quả ngọt” của hành trình 10 năm nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Ở đó có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trên vùng kinh tế mới.
Bài 1: Đổi thay trên những vùng đất khó
Cát Tiên - huyện vùng xa nhất của tỉnh Lâm Đồng nhưng không còn được nhắc đến nhiều về sự xa xôi cách trở, bởi Cát Tiên hôm nay hiện lên với sự khởi sắc của một vùng nông thôn mới (NTM). Trong “bức tranh” đầy sức sống đó, có những con đường láng bê tông sạch sẽ nối trung tâm xã đến tận đường thôn, ngõ xóm; những ngôi trường mới, chợ nông thôn, nhà văn hóa khang trang được hình thành. Nhiều làng quê trù phú với những vườn cây ăn trái xanh mát, những cánh đồng mẫu lớn vàng ươm mùa lúa chín thẳng cánh cò bay...
|
Một góc Trung tâm thị trấn Cát Tiên hôm nay. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
“Áo mới” cho Đồng Nai Thượng
Sinh ra tại “xã Năm anh hùng” - nay là xã Đồng Nai Thượng, bà Điểu Thị Năm Lôi (53 tuổi Đảng), nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI đã hiến trọn tuổi thanh xuân trong những ngày gian khó chống Mỹ cứu nước. Và, cũng chính bà như là một chứng nhân cho sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất quê hương anh hùng.
Trong ngôi nhà giản dị nhưng khang trang, bà Năm Lôi kể rằng: Hầu hết người dân gốc ở xã Đồng Nai Thượng này đều thuộc vùng chiến khu D, dữ dằn lắm mà dân cũng bám lại. Nơi đây là một phần của chiến khu D, là vùng căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu 6 và Khu 10 cũ. Đây cũng là nơi bảo vệ an toàn đường hành lang chiến lược Bắc - Nam; sản xuất lương thực; tiếp nhận, chuyển tải sức người, sức của, phương tiện để chi viện cho các chiến trường Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, Đắk Nông, Phước Long, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Bình Thuận, Bình Tuy và Ninh Thuận. Chính vì vậy, từ những năm 1970, chính quyền Mỹ - Ngụy đã tập trung một lực lượng rất lớn ở đây để lập đồn, thường xuyên tổ chức các trận đi càn. Để bảo vệ con đường của cách mạng, bà Điểu Thị Năm Lôi đã cùng một số người tập hợp lại để thành lập các đội du kích, quyết tâm đánh Mỹ. “Khi lính Mỹ đi càn thì mình chỉ huy mọi người tạm rút lui; còn nhà bị lính đốt, gia súc, gia cầm bị cướp bóc thì người dân mình kiên trì xây dựng lại” - bà nói.
Ghi nhận những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1978, nhiều tập thể, cá nhân, chiến sĩ xã Đồng Nai Thượng đã được Đảng, Nhà nước vinh danh và tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Trong đó, xã Đồng Nai Thượng được Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Sau ngày giải phóng, người dân xã Đồng Nai Thượng bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Tuy nhiên, với thực trạng dân cư thưa thớt, giao thông chia cắt khi chỉ có những tuyến đường mòn hun hút, mọi thứ ở đây thiếu thốn trăm bề. Nhà ở, trường học, trạm xá chủ yếu là tranh tre, nứa lá. Nắng hạn, mưa lũ lại khiến cho xã đã khó lại càng khó khăn hơn. Nhưng vượt lên tất cả, toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc ở mảnh đất anh hùng này đã chung sức, đồng lòng, vượt qua gian khó bằng ý chí và nghị lực để định hình thế dân cư, khai hoang phục hóa mở rộng sản xuất.
Đồng chí Điểu K’Giắc - Bí thư Đảng ủy, cũng là người con của xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: Năm 2010, cùng với toàn tỉnh Lâm Đồng, xã Đồng Nai Thượng cũng đã hưởng ứng, tham gia xây dựng NTM. Lúc bấy giờ, xã Đồng Nai Thượng thậm chí còn không đạt tiêu chí nào trong 19 tiêu chí NTM. Ấy vậy mà, bây giờ, từ khắp buôn làng Bù Sa, Bê Đê, Đạ Cọ đến Bi Nao, Bù Gia Rá đều đã khoác lên mình màu “áo mới”. Những căn nhà gỗ lợp tôn gỉ sét, lụp xụp ngày nào nay được thay vào những ngôi nhà khang trang. Những con đường nắng bụi, mưa bùn và chia cắt đã lùi xa, thay vào đó là 100% đường được bê tông và nhựa hóa. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Quan trọng hơn, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã đã không ngừng được tăng lên. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này chính là việc người dân trong xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện, toàn xã đang có 450 ha điều, 470 ha cà phê, 50 ha cây cao su, 25 ha cây hồ tiêu. Đặc biệt, diện tích trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác trên toàn xã đã phát triển lên đến 300 ha. Phần lớn diện tích sầu riêng và cây ăn trái trên đều được chuyển đổi từ những vườn điều kém hiệu quả. Không còn chỉ quẩn quanh với những vườn điều xác xơ, Đồng Nai Thượng hôm nay khoác lên màu xanh của rừng, của cây ăn trái và cả màu xanh của hy vọng.
“Nếu như trước đây, với mỗi ha canh tác cây điều, người dân chỉ thu về khoảng 40 triệu đồng, thì nay cũng với diện tích từng đó nhưng được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái, giá trị thu nhập mang lại cho người dân tăng lên gấp nhiều lần. Trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập trên 500 triệu đồng, thậm chí thu tiền tỷ trên 1 ha” - đồng chí K’Giắc cho hay.
|
Đến với huyện Cát Tiên những ngày này, nhất là tại các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, tưởng như chìm vào khung cảnh của những miệt vườn với những vườn cây ăn trái trĩu quả |
Ngọt lành những miệt vườn cây trái
Đến với huyện Cát Tiên những ngày này, nhất là tại các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, tưởng như chìm vào khung cảnh của những miệt vườn ở miền Tây sông nước. Một Cát Tiên trù phú, xanh tươi và ấm no với lúa gạo, dâu tằm và các loại cây ăn trái.
Cùng với việc triển khai thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế cũng đã được phổ biến để người dân dựng xây cuộc sống tại mảnh đất họ đã lựa chọn làm quê hương thứ hai của mình. Để rồi cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Đảng và chính quyền, người nông dân đã biến khó khăn thành động lực. Và quan trọng hơn là họ đã thấy được thời cơ, tiềm năng ngay chính địa phương của mình để rồi dám nghĩ, dám làm.
Cái nắng nóng giữa mùa hè như dịu hẳn đi khi chúng tôi dạo quanh vườn cây xanh ngát, trĩu quả các loại cây ăn trái của gia đình anh Phạm Thanh Duyên (Thôn 1, xã Đức Phổ). Chỉ tay về những gốc sầu riêng trước mặt, anh Duyên hồ hởi khoe rằng: “Trung bình mỗi gốc sầu riêng trong vườn đang “cõng” gần 150 kg trái, tính ra thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/cây”. Trên diện tích 1,1 ha đất vườn, anh Duyên đang trồng 200 cây sầu riêng, hơn 150 cây măng cụt, 20 gốc bưởi và 20 gốc chôm chôm và chừng 30 gốc xoài. Đó là “quả ngọt” sau 5 năm miệt mài chuyển đổi của người con gốc Quảng Ngãi. Chất lượng trái cây không thua kém vùng miền nào, nông sản của gia đình anh Duyên đều được thương lái đến tận vườn để đặt hàng.
Bây giờ, ở huyện Cát Tiên, cứ mùa nào thức ấy. Ở vùng đất bồi ven sông Đồng Nai thuộc các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, Phước Cát và thị trấn Cát Tiên, người dân trồng măng cụt, chôm chôm, nhãn lồng; còn những vùng cao, pha đất đỏ bazan thì trồng sầu riêng. Những loại cây tưởng như khó tính này đã bám rễ, phát triển tươi tốt và sai quả ở vùng đất vốn từng loay hoay đi tìm loại cây trồng phù hợp. Đó là thành quả của việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Nhiều đề án, kế hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được huyện Cát Tiên triển khai thực hiện có hiệu quả, trọng tâm là Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Đề án Chuyển đổi vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND và quyết định, kế hoạch của UBND huyện Cát Tiên về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên đã tập trung tham mưu UBND huyện và trực tiếp triển khai thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng diện tích thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, hiện nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Cát Tiên đạt 1.047 ha; trong đó, có một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, như: sầu riêng 300 ha với diện tích kinh doanh trên 100 ha, năng suất trung bình 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm; chôm chôm 230 ha với diện tích kinh doanh 210 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, sản lượng 5.250 tấn/năm; măng cụt 55 ha với diện tích kinh doanh 55 ha, năng suất 4,5 tấn/năm, sản lượng khoảng 247,5 tấn/năm; còn lại là một số cây ăn trái khác. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực cây ăn trái là HTX Cây ăn trái Quảng Ngãi - xã Quảng Ngãi, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đức Phổ - xã Đức Phổ, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm - xã Đồng Nai Thượng.
(CÒN NỮA)
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin