Thủ khoa cử nhân Xuất sắc Churu Alê Nai Quỳnh

06:07, 14/07/2022
Trong 7 sinh viên xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và 16 danh hiệu thủ khoa các ngành đào tạo được Trường Đại học Đà Lạt vinh danh khen thưởng đặc biệt có nữ sinh dân tộc K’Ho đến từ huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng - Churu Alê Nai Quỳnh, chuyên ngành Quốc tế học, khóa 42.
 
Churu Alê Nai Quỳnh
Churu Alê Nai Quỳnh
 
Churu Alê Nai Quỳnh sinh ngày 29/3/2000, quê ở xã Ka Đơn. Trước khi học đại học, cô học Trường THPT Pró, là Phó Bí thư Đoàn trường. Cô là con gái đầu của gia đình 6 người con, hoàn cảnh khó khăn. Để phụ giúp cha mẹ, từ lớp 7, Nai Quỳnh đã đi làm thuê nông nghiệp rồi lên đại học tiếp tục dạy kèm tiếng Anh cho học sinh, làm nhân viên phục vụ, lễ tân tại các resort, nhà hàng, khách sạn, vừa có thu nhập vừa trau dồi vốn tiếng Anh và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đến nay, tốt nghiệp ra trường cô vẫn tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này. 
 
Có được kết quả đặc biệt như vậy, Nai Quỳnh chia sẻ: “Ngoài việc không ngừng nỗ lực học hỏi từ giảng viên ra thì mình còn phải học theo các bạn trong lớp. Học cái mới cái, hay của các bạn rồi sáng tạo thành cái mới, cái hay của bản thân mình. Luôn lắng nghe những góp ý từ mọi người, không nên quá đặt nặng vấn đề thành tích vì như vậy rất dễ khiến bản thân mình bị cuốn theo tham vọng, lâu dần sẽ bị phản tác dụng và tụt hạng”. Lời khuyên với các lớp sinh viên khóa sau của thủ khoa Nai Quỳnh là, cùng với chăm chú học trên lớp, việc tự nghiên cứu tài liệu rất quan trọng. “Kho tàng kiến thức thì rất nhiều thế nên bạn phải học cách chắt lọc kiến thức, tránh học lan man dễ gây nhàm chán và quá tải. Song song với học kiến thức là việc rèn các kĩ năng mềm cần thiết như thuyết trình, kĩ năng lắng nghe, đàm phán...”, Nai Quỳnh nói. Bản thân cô nhận thấy ngành Quốc tế học rất thú vị và có nhiều ứng dụng, càng phù hợp với một người hướng ngoại nên em luôn đam mê trải nghiệm với những gì không bó hẹp, rập khuôn, thích không gian mở để tự tìm tòi nghiên cứu. Theo cô, khó khăn nhất là có thể thực hiện thường xuyên việc đi học đầy đủ, lắng nghe và ghi chú những lời dặn dò của giảng viên, đồng thời phải thường xuyên luyện tập bằng cách là hoàn thành các bài tập về nhà đầy đủ. Nhất là ngành học Quốc tế học vận dụng thực tiễn rất nhiều, các vấn đề nghiên cứu luôn đi theo những biến động của chính trị, kinh tế thế giới nên việc cập nhật thông tin thường xuyên, tự mày mò học hỏi cần đặc biệt ưu tiên...
 
Khi tôi hỏi điều gì em muốn gửi gắm đến các học sinh, sinh viên và phụ huynh là đồng bào các dân tộc thiểu số? Nai Quỳnh nói: Theo như những gì em được biết và nghe thấy từ những phụ huynh người dân tộc thiểu số xung quanh thì có rất nhiều ý kiến cho rằng các bạn học sinh dân tộc thiểu số đặc biệt là nữ không cần phải đi học nhiều vì như vậy chỉ tốn tiền của mà không có tương lai. Bằng chứng là có rất nhiều học sinh chỉ được học hết cấp 3, thậm chí là cấp 2 sau đó nghỉ học ở nhà dựng vợ gả chồng. Điều đó ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng cuộc sống. 
 
“Em xin lấy bản thân mình cũng như các anh chị sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số trước đó đã thành công để chứng minh với các vị phụ huynh đó rằng: Sự học không phải là con đường duy nhất nhưng là con đường ngắn và bền nhất để dẫn đến thành công. Đồng bào dân tộc thiểu số đều có quyền và nghĩa vụ học tập như nhau, sự thành công ở tương lai không chờ đợi những ai có suy nghĩ hẹp hòi, nó chỉ dành cho những ai thật sự và luôn luôn nỗ lực”. Đây là nền tảng của nhận thức và vốn tri thức để tân cử nhân Churu Alê Nai Quỳnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu lập nghiệp thành công ở Đà Lạt, vừa phát triển nghề nghiệp của bản thân vừa nuôi em gái được cô đưa lên học phổ thông tại môi trường học đường thành phố Đà Lạt.
 

Năm 2018, Churu Alê Nai Quỳnh trúng tuyển vào Trường Đại học Đà Lạt với vị thứ á khoa, 25,2 điểm khối D. Vừa làm vừa học, và là lớp trưởng, Phó Bí thư Đoàn suốt 4 năm đại học, Nai Quỳnh đã phấn đấu tích lũy tín chỉ với tổng điểm trung bình đạt 3,63 điểm. 

 
MINH ĐẠO