Cán bộ người dân tộc thiểu số và vòng luẩn quẩn thiếu - thừa (Bài 1)

04:08, 26/08/2022
Các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp liên tục tuyển dụng nhưng vẫn chưa đủ cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) như chỉ tiêu đặt ra. Còn một bộ phận bà con người DTTS vẫn kiến nghị rằng con em họ tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về không có việc làm. Và chuyện cán bộ người DTTS vẫn trong vòng luẩn quẩn thiếu - thừa suốt nhiều năm qua.
 
Bài 1: Nỗ lực của Lâm Đồng
 
Phát triển đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS tương đương với tỉ lệ dân số là người DTTS của địa phương là nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực thực hiện suốt nhiều năm qua.
 
Cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS hiện đang thiếu hụt tại các cơ quan, địa phương
Cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS hiện đang thiếu hụt tại các cơ quan, địa phương
 
•  HƯỚNG VỀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NGƯỜI DTTS
 
Các quyết định 2356/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định 402/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 xác định: Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số người DTTS ở từng địa phương là những cơ sở quan trọng để các địa phương nói chung và Lâm Đồng nói riêng tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Trên cơ sở này tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện.
 
Là địa bàn có trên 25% dân số là người đồng bào DTTS, việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị có vai trò rất quan trọng ở tỉnh Lâm Đồng. Bởi họ là những hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc, là người trực tiếp tổ chức đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của bà con. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đủ số lượng, cao về chất lượng, cơ cấu hợp lý sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để xây dựng chính quyền vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
 
Lâm Đồng xác định mục tiêu, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS trên tổng số biên chế được giao ở các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh đạt 5%. Đối với các huyện, thành phố được chia thành các nhóm với tỷ lệ CBCCVC người DTTS chiếm khoảng 5% ở thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, khoảng 10% ở các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, khoảng 20% ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và cao nhất ở hai huyện Đam Rông 30% và Di Linh với 35%.
 
Ghi nhận tại Sở Nội vụ tỉnh, trong những năm qua, việc tổ chức tuyển dụng công chức đã được tiến hành theo đúng quy định. Tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm ưu tiên đối tượng người DTTS ở địa phương trong triển khai thực hiện các đề án, dự án như: Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND ở các xã thuộc 62 huyện nghèo. Từ đây, Lâm Đồng đã bố trí được 5 phó chủ tịch UBND các xã ở huyện Đam Rông. Ngoài ra, vận dụng Đề án 600, năm 2013 tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai thực hiện Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người DTTS gốc Tây Nguyên để tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã trong tỉnh. Theo đó đã có 43 đội viên được chọn. Trên cơ sở trình độ, năng lực và nhu cầu thực tế của địa phương, các đội viên đã được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. 
 
• ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ
 
Ông Đàm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Hiện nay những con số về tỷ lệ CBCCVC người DTTS đang không đạt so với chỉ tiêu đặt ra”.
 
Cụ thể, tính đến 31/1/2022, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh là 642 người/7.255 biên chế, đạt 8,85%. Tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, đạt 10%. Như vậy 10/10 huyện (không tính hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc) đều chưa đạt. Tại các xã, phường, thị trấn, đạt 23,66%. Trong đó tính bình quân chung cấp xã của từng địa phương thì có huyện Bảo Lâm thực hiện được 32,2%, vượt 2,2% so với mục tiêu theo Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ, còn 11/12 huyện, thành phố chưa đạt. 
 
Ngay tại Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc các huyện - cơ quan tham mưu về công tác dân tộc cho cấp tỉnh và cấp huyện, đơn vị gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của vùng đồng bào DTTS, con số này vẫn chưa đạt. Cụ thể, tại Ban Dân tộc tỉnh có 5 công chức người DTTS/16 biên chế, đạt 31,25%, thấp hơn 8,75% so với tỷ lệ theo Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ là 40%. Phòng Dân tộc các huyện có 8 công chức người DTTS/30 biên chế, đạt 26,67%, thấp hơn 23,33% so với mục tiêu theo Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ là 50%.
 
Theo số liệu thống kê từ Sở Nội vụ tỉnh, hiện tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 5,74% và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã chiếm tỷ lệ 16,36%. Như vậy, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở tính đến cuối năm 2020 chưa đạt tỷ lệ so với kế hoạch đề ra, nhất là ở những địa bàn huyện, xã có đông đồng bào DTTS. Một số sở, ngành chưa có công chức là người DTTS.
 
Trước thực trạng trên, báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đang có dấu hiệu thiếu hụt dần tại các cơ quan, địa phương. Nếu tiếp diễn thì trong thời gian tới sẽ khó thực hiện bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông K’Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Song việc một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ này và việc thiếu ý chí vươn lên của bản thân các em là con em vùng đồng bào DTTS có nguyện vọng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước là hai yếu tố đóng vai trò quyết định. Bởi việc chính các em đảm bảo về tiêu chuẩn bằng cấp cũng như ý thức vươn lên sẽ là yếu tố quan trọng, thậm chí đóng vai trò gần như quyết định để các em đứng vào hàng ngũ công chức, viên chức của tỉnh. Theo tôi, không cần tuyển dụng bằng mọi giá để đủ số lượng vì thà số lượng ít mà bảo đảm chất lượng vẫn là điều quan trọng hơn”.
 
Điều này đang đặt ra vấn đề đòi hỏi Sở Nội vụ tỉnh và các địa phương phải nhìn nhận rõ những vướng mắc đang gặp phải và có phương án giải quyết hoặc thiết lập lộ trình, từ đó có hướng đi phù hợp, hiệu quả trong năm tiếp theo để vấn đề về đội ngũ cán bộ người DTTS sẽ thực sự khởi sắc trong bộ máy chung của tỉnh.
 
NGỌC NGÀ