Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học hết sức cần thiết

06:08, 26/08/2022
(LĐ online) - Chiều 26/8, tại Đà Lạt, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức chương trình tọa đàm đánh giá triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học do ông Doãn Hồng Hà- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) và ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng chủ trì. 
 
Các đại biểu tham gia tọa đàm
Các đại biểu tham gia tọa đàm
 
Tham dự có các thành viên đoàn khảo sát của Bộ GDĐT, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, Phòng Giáo dục Trung học, Phòng Giáo dục Mầm non-Tiểu học (Sở GDĐT Lâm Đồng) các phòng GDĐT, trường phổ thông ở Đà Lạt, huyện Lâm Hà, Lạc Dương và Đức Trọng…Hội nghị diễn ra sau 2 ngày đoàn khảo sát của Bộ GDĐT làm việc, tiếp xúc các đối tượng tại một số trường học ở Đức Trọng, Lâm Hà và Đà Lạt.  
 
Qua các năm thực hiện Thông tư 33/2018 và Thông tư 31/2017 của Bộ GDĐT, Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả về Tuyên truyền, hướng dẫn người học về nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật; Rà soát, cơ chế tiếp nhận, nắm bắt thông tin, tổ chức phòng ngừa, phối hợp can thiệp người học khi có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật; Phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, giữa nhà trường với gia đình, tổ chức, đoàn thể; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện; Xây dựng chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên đầu mối;…
 
Tuy nhiên việc triển khai công tác xã hội trường học chưa thực sự đi vào chiều sâu, một số cán bộ quản lý trường học chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác xã hội trường học nên vẫn còn tình trạng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nghỉ học thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại, bị bạo lực, vi phạm pháp luật. 
 
Còn thiếu việc cung cấp thông tin, tài liệu, trang bị cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh, cũng như giáo viên các kiến thức, kỹ năng, phương pháp phát hiện các trường hợp học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ bỏ học, bị căng thẳng, khủng hoảng, nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực và trách nhiệm thông báo, phối hợp giải quyết chưa đầy đủ, kịp thời… Những hạn chế này cũng được các đại diện trường học nêu lên nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường. Các đại biểu cũng kiến nghị cần được tổ chức tập huấn chuyên đề, có chính sách thích đáng đối với đội ngũ làm công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường…
 
M.ĐẠO